Dưới đây xin liệt kê một vài nguyên tắc chính để có thể viết được một
bài phê bình đứng đắn
A - Bài phê bình đứng đắn, xứng đáng với danh từ tốt đẹp của nó, trước
hết, phải có một giọng tao nhã, dễ thương và hoạt bát.
Lễ độ và tinh túy của văn minh, dù ở bất cứ trường hợp nào, nhất là văn
chương, theo cái nghĩa của danh từ, thì trước hết phải thật là thanh lịch. Lời
mà thô lỗ, cộc cằn, mất dạy không còn phải là văn chương nữa. Joubert nói:
“Một ít hiền lành nhã nhặn cũng phải có, dù là trong bài phê bình công
kích; nếu tuyệt nhiên thiếu nó thì không còn phải là văn chương nữa (...) Ở
đâu mà không có sự thanh nhã gì cả là không có văn chương”. Huống chi
tác phẩm của một nhà văn là sinh mạng của họ. Không phải muốn chửi
mắng là chửi mắng, muốn bôi lọ là bôi lọ, muốn xuyên tạc là xuyên tạc,
muốn vu cáo là vu cáo cho hả cái lòng oán ghét ganh tị của mình. Họ nào
có biết làm thế là tự họ làm nhục lấy mình, làm nhục lây đồng nghiệp.
Chẳng những đó là một việc làm bất chính đối với lương tâm của mình,
không liêm sỉ đối với độc giả phần đông quá tin cậy nơi lòng lương thiện
của mình.
Bài phê bình cũng phải là một tác phẩm văn chương, cần phải tránh
những gì có thể làm chướng ngại cho một tài hoa sắp nở hay đang nở, có
thể làm giảm lòng tự tin hoặc giết chết một cao vọng chân chính nhưng còn
vụng về, cần được nhiều nâng đỡ. Giết chết những mầm sống đang đâm
chồi nẩy lộc là một tội ác đối với tiền đồ văn học.
B - Phê bình phải tỏ ra chính đáng, căn cứ vào những lý lẽ vững vàng,
chứ không nên vu vơ ngụy biện. Đừng bao giờ phê phán một điều gì mà
không có đủ lý lẽ để chứng minh.
C - Nhãn quang của nhà phê bình phải cho rộng rãi; phải tỏ ra có những
tài lực ngang hàng với tác phẩm của mình phê bình. Phê bình một tác phẩm
về Phật học phải ít ra là người uyên thâm về Phật học hoặc có sở đắc về cái
học ấy ít nhiều.