cho hắn bị xử giảo cho xem... Cái thủ đoạn thô thiển và bất lương ấy
thường “ăn” độc giả lắm. Nhưng nhà phê bình cũng có thể sa vào sai lầm
ấy một cách chân thành, nếu họ không để ý đến văn mạch.”
Sở dĩ tôi nhấn mạnh về đức liêm sỉ này bởi nó là tất cả nền tảng của một
công trình phê bình đứng đắn có tính cách khoa học của ngày nay, lối phê
bình sử học: Phê bình sự thành thực và chính xác của một tài liệu. Thiếu tư
cách này, không thể làm một nhà phê bình lương thiện và chân chính được.
⥚◌⥛
Và như trước đây có nói, trong các đức tính chính của nhà phê bình, khó
nhất là biết giữ được sự độc lập của tinh thần. Nhà phê bình mà có tinh thần
độc lập, không bao giờ để cho một học thuyết, một chế độ, một nghệ thuật,
một phong trào tư tưởng, chính trị hay văn nghệ nào lung lạc, cám dỗ, làm
mất sự bình tĩnh sáng suốt và cá tính đặc biệt của mình, làm cho mình chạy
theo một thị hiếu nhất thời nào của quần chúng và a dua một quyền thế bất
cứ do phía nào đến.
“Phê bình là một nghệ thuật tổng hợp; nó đòi hỏi hai điều kiện dường
như mâu thuẫn này mà thật sự không mâu thuẫn, là một mặt phải có cái
thiên tư nhạy cảm biết vượt ra khỏi cái người của mình để theo dõi mà
không làm méo mó tư tưởng kẻ khác; mặt khác, là bao giờ cũng giữ được
mãi dấu vết của một bản ngã tân kỳ độc đáo của mình mặc dù trong lúc
mình buông lỏng tâm hồn theo tư tưởng kẻ khác”
.
Jules Lachelier khuyên ta: “Muốn biết rõ một học thuyết nào, điều kiện
đầu tiên là phải vào trong đó, và điều kiện kế đó là phải ra khỏi đó”. Có
“nhập” rồi phải có “xuất”, đó là chỗ khó khăn và uyển chuyển nhất của nhà
phê bình.
⥚◌⥛
Phê bình là để chống lại cái nạn “máy móc tâm hồn” của độc giả thường
sống vô tâm và quá máy móc theo những thành kiến, chỉ chịu nhận những
gì hạp với lòng ưa thích riêng tư của mình thôi. Nhà phê bình là người luôn