Đó là hai chỗ xuất sắc trong kỹ thuật tác giả.
Một là dùng phép “bồi thấn”, lại là dùng phép “trùng phục”. Phép nào
tác giả dùng, tác giả cũng làm chủ nó được, điều khiển nó được cả.
Ngoài ra, còn những cái đặc sắc mà tôi không nỡ bỏ qua không nhắc đến.
Như khéo dùng âm hưởng cho kêu câu văn:
“Tuổi xuân hơn hớn vẻ đào tơ...”
Khéo dùng vật cụ thể dụ dẫn sự vô hình:
“Chim non nằm dưới tổ êm đềm.
Lòng anh ấm áp, em sung sướng
Tình ái êm đềm như tổ chim”.
Nhất là khéo dùng hình ảnh linh hoạt và có thể sắc làm thành những bức
tranh nhỏ thần tình:
“Ánh sáng tưng bừng...”
“Hồi hộp nhìn em ngẩn ngơ...”
“Quần đen, áo trắng, khăn hồng nhẹ.”
Tác giả lại có cái tài khéo dùng tiếng nói chuyện thường ngày mà để vào
chỗ hạp tình hạp tiết, thành ra “có duyên”, như những tiếng:
“Lòng em trong trẻo...”
“Em không náo nức;”
“Lững thững lên trường...”
“Lòng em phấp phới”
Kỹ thuật được như vậy, thi tứ dồi dào, khéo mà luyện tập cho nên.
Tiếc vì, về tự nghĩa sao chừng như tác giả không chắc cho mấy, hay là
không lưu tâm đến mấy. Tôi không hiểu như “nước triều” mà tác giả dùng,
nghĩa ra làm sao? Cứ như câu:
“Đầy đặn lòng em mặt nước triều.”