gồm việc “nhân hóa” ông ta! Nhưng họ thất bại hoàn toàn vì Harry chẳng
màng nói chuyện với bất cứ ai!
Thế thì, sự tự do của Harry có ý nghĩa gì đối với ông ta trong những
ngày cuối cùng cuộc đời ông ấy?
Cũng lại là tôi khám phá ra lần nữa.
Bất hạnh thay!
Một đêm tháng tám nóng bức, sáu tuần sau khi ông ta được đưa về nhà
cũ, tôi trở lại nơi đó, quyết định ghé qua coi ông ta ra sao. Khi tôi đến thì
căn nhà tối om trừ ánh sáng yếu ớt hắt lên từ căn hầm. Tôi nhớ lại lời đồn
là căn nhà không bị xáo trộn một thứ gì, không một thứ đồ đạc gì được
đụng đến. Họ nói... ngay cả giường ngủ cũng không có ai nằm. Phải chăng
sau những năm ấy, Harry chỉ có thể ngon giấc trong cái chuồng cũ của ông
ấy? Có phải ông ta trở lại đó hằng đêm?
Rón rén, tôi bò đến bên nắp hầm. Qua ánh sáng yếu ớt, tôi nhận ra cái
chuồng. Kế bên cửa chuồng là cái ghế đu mà Miriam vẫn ngồi. Ngay sau
đó tôi nhận ra cái bóng bên cạnh là Harry. Ông ta ngồi trên sàn, cằm gác lên
tay ghế. Tôi ngạc nhiên... có một hình ảnh mơ hồ lãng đãng trong đầu, tôi
không nhớ ra, bất chợt hiện rõ. Trong phòng ngủ của ông nội tôi có một
bức tranh tựa đề “Kẻ than khóc người chăn cừu”. Bức tranh vẽ hình một
con chó âu sầu ủ ê nằm cạnh quan tài chủ nó, một người chăn cừu mới chết.
Sự liên tưởng hình ảnh đó với cảnh tượng dưới kia làm đau nhói tim tôi.
Tôi không thể nhìn thêm nữa. Nhưng khi sắp đứng lên thì tôi thấy cái bóng
khốn khổ kia cửa động. Cái đầu rối bù ngước lên, miệng há ra. Một tiếng
gào ma quái rùng rợn. Tôi đưa tay bịt chặt tai lại. Nhưng tôi vẫn nghe. Nó
khóc, khóc lớn hơn. Tiếng khóc xé ruột, đau buốt tim gan. Tiếng khóc khao
khát, tiếng khóc ước ao của một con thú đã được thuần hóa đòi lại người
chủ dịu hiền của nó.
Tôi bỏ chạy.
Khi thoát khỏi khu vườn ma quái đó tôi chạy như kẻ mất hồn dưới ánh
trăng. Lần này tôi cũng bị rượt đuổi bởi sự khủng khiếp. Nhưng sự khủng
khiếp này do chính tôi gây ra và tôi biết mình không bao giờ thoát được.