Srinagar là thành phố cổ đang hấp hối vì một cuộc chiến của thời hiện
đại. Nó là những ngã đường hoang vắng, những cửa tiệm đóng chặt, những
tên lính dữ tợn và những bé trai cầm trên tay cục đá. Nó là hàng ngàn
boongke quân sự, bốn sân gôn và ba tiệm sách tàm tạm. Nó là những chính
trị gia xảo quyệt lặp đi lặp lại những lời dối trá về chiến tranh và hòa bình
trước ống kính truyền hình và đám đông nhỏ bé tụ tập lại vì lời hứa về một
công việc mơ hồ hay một khoản thù lao vài trăm rupee. Nó là việc phải dừng
lại trên đường và tại những ngã tư khi đoàn xe bọc thép được hộ tống bằng
hàng loạt súng máy của bè lũ cai trị và những kẻ bảo hộ cho chúng nghiến
bánh xe rầm rầm trên các con đường đã bể nát. Nó là việc đăm đăm nhìn lại
hoặc nhìn đi nơi khác trong nỗi cam chịu. Srinagar không bao giờ thắng,
cũng không bao giờ bị đánh bại.
Báo chí Srinagar thường xuyên đăng cáo phó cho những nghĩa quân tử
trận có khuôn mặt trẻ măng, u uất cạnh những dòng bi ai cho các khuôn mặt
đứng tuổi mỉm cười trong bộ vét đắt tiền, những người nắm giữ các đặc
quyền. Một số tiêu đề in bằng mực đỏ, thông báo về những cái chết. Những
con số thống kê được cập nhật hàng ngày trên trang nhất. Srinagar là việc
ngồi trong một tiệm cà phê, trong một văn phòng, bên ngoài trường đại học,
hay băng ngang qua một cây cầu và cảm nhận, chạm vào, hít thở mùi vị của
lịch sử, chính trị và chiến tranh, trong những dấu hiệu và địa điểm mơ hồ.
Srinagar là việc nhìn vào một cây cầu, một vùng đất hoang, một tòa nhà tầm
thường để biết rằng nơi đó đã có những người đàn ông ngã xuống, có những
cậu bé bị tra tấn.
Là người làm báo, tôi đã có cơ hội gặp Merajuddin, cựu phóng viên ảnh
người Kashmir, trông rất “ra dáng” trong cái áo khoác dành cho nhiếp ảnh
gia. Merajuddin luôn đeo kiếng đen sau khi bị mất con mắt trái vì mảnh vỡ
của một quả lựu đạn. Có lần tôi hỏi ông làm thế nào ông có thể đương đầu
với bạo lực như thế khi còn là phóng viên. Ông nói như một người đã chứng
kiến tất cả. “Tôi đã khóc như một đứa bé khi những người biểu tình bị thảm
sát trên cầu Gawkadal. Sau sự kiện đó, không gì có thể làm tôi khóc được
nữa.” Tôi nhớ lại cảnh mình đang ngồi cùng với gia đình và nghe tin về vụ
thảm sát tại cầu Gawkada trên đài BBC Thế giới và hầu như mắt ai cũng