quần áo mặt mày đẫm máu nhảy ra khỏi đống xác chết. Thằng bé lấy tay rờ
khắp người nó rồi hét lên, “Tôi không dính đạn. Tôi không dính đạn. Tôi
còn sống.” Nó đứng im một lúc rồi chạy ùa ra khỏi tòa nhà. Anh Farooq
phải nằm viện. Gia đình anh được tin anh còn sống một ngày sau đó. “Họ
tưởng là tôi đã chết.”
Nhiều tháng sau đó, anh phục hồi sức khỏe và trở lại làm công việc kỹ
sư. “Hôm ấy Thượng Đế đã ban tặng cho tôi một cuộc đời mới. Tôi biết ơn
ngài và sống trọn vẹn từng giây phút. Tôi cũng thường nghĩ về thằng bé đã
chạy ra khỏi bệnh viện. Những ký ức như thế làm cho tôi trăn trở mãi.
Nhưng tôi không phải là người duy nhất, mà có hàng trăm người giống như
tôi vậy.”
Chúng tôi dùng thêm một tuần trà kahwa nữa và trò chuyện về Kashmir
thêm một lúc. Anh băn khoăn, không biết cuộc xung đột có được giải quyết
hay không và làm sao để có một nền hòa bình dài lâu. Đó là câu hỏi của hầu
hết người Kashmir. Không ai trong chúng tôi biết câu trả lời. Bỗng điện
thoại của anh reo: một nhân viên của anh gọi. Farooq hướng dẫn anh kia một
loạt kỹ thuật phức tạp. Nhìn anh nói chuyện với sự tập trung căng thẳng, thật
khó mà tưởng tượng được chính người đàn ông này đã sống sót qua một
trong những vụ thảm sát kinh hoàng nhất ở Kashmir. Trong góc nhà có một
bộ gậy đánh gôn. Anh hiện là thành viên của câu lạc bộ gôn thượng lưu của
Srinagar.
• • •
Iffat, cô em họ mười tuổi của tôi, đang đợi tôi ở nhà để giúp nó viết một
bài tập làm văn. “Anh đi gặp ai vậy?” con bé hỏi ngay lúc tôi vừa bước vào.
“Một người bạn của anh,” tôi nói.
“Anh ấy làm nghề gì?”
“Anh ấy là kỹ sư.”
“Tại sao anh lại đi gặp anh ấy?” Những câu hỏi của nó có thể kéo dài
vô tận, nên tôi gợi ý là chúng tôi nên cùng nhau làm bài văn của nó. Sau khi
xong xuôi hết, tôi ngồi một mình trong phòng, nghĩ về anh Farooq, về anh
chàng Babloo thợ sơn và cây cầu Gawkadal. Với tôi, vụ thảm sát trên cầu