Gawkada đã gắn chặt với ký ức về hàng loạt các vụ thảm sát khác. Trong
mùa đông của năm 1990, Srinagar là thành phố của những cuộc thảm sát.
Các nhóm nghĩa quân nổi dậy cùng với các lực lượng Ấn Độ đã phơi bày
một sự tàn bạo. Ông Mushirul-Haq, hiệu phó trường Đại học Kashmir, đã bị
bắt cóc và giết chết sau khi chính phủ Ấn Độ từ chối đòi hỏi của quân nổi
dậy là thả các con tin. Những Pandit và người Hồi giáo Kashmir xuất chúng,
được xem là thân Ấn Độ, trở thành mục tiêu kế tiếp. Ngày 21 tháng Năm
1990, phe nổi dậy thuộc Hizbul Mujahideen, một nhóm nghĩa quân ủng hộ
Pakistan, đã ám sát vị giáo chủ của Srinagar, ông Maulvi Farooq, một chính
trị gia lừng lẫy. Cuộc tuần hành của những người để tang cho ông bắt đầu từ
nhà ông ở khu vực phía bắc của Srinagar.
Gần ngôi trường một trăm tuổi cổ kính ở trung tâm Srinagar, được cha
ông Maulvi Farooq xây dựng với mục đích giáo dục dành cho những người
Kashmir Hồi giáo, lực lượng bán quân đội đã xả súng xối xả vào đoàn người
đưa tang. Các viên đạn xuyên thủng quan tài, còn những người khiêng quan
tài và đưa tang thì ngã xuống. Khoảng một trăm người bị sát hại. Những đôi
giày dính đầy máu của họ nằm lại trên đường sau khi xác của họ được mang
đi. Người ta quên đi vụ ám sát vị giáo chủ và thay vào đó, cơn thịnh nộ đối
với Ấn Độ dâng trào. Omar Farooq, đứa con trai mười tám tuổi vừa làm lễ
nhậm chức giáo chủ của ông, đã khẩn khoản kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà
lãnh đạo trên thế giới nhằm mang lại cho Kashmir quyền tự quyết. Những
hình ảnh của vụ thảm sát đó đã đi vào thơ ca và hội họa.
Nhiều người đưa tang hôm đó đã được an táng tại một nghĩa trang mới,
được xây gần Eidgah, mảnh đất truyền thống ở Srinagar dành cho việc cầu
nguyện trong lễ Eid. Trong bao thế kỷ nay, người Kashmir đã chôn cất
người chết tại những nghĩa trang quanh vùng. Các thành viên trong gia đình
sẽ tắm cho người quá cố, mặc cho họ chiếc áo thụng màu trắng và đưa thi
thể đó đến nghĩa trang để làm lễ tang. Nhưng những người bị giết bởi các
lực lượng Ấn Độ trong các cuộc nổi dậy thì không phải là những người chết
bình thường. Họ được xem như những người tử vì đạo, hy sinh cho tự do.
Họ không được tắm hay mặc áo thụng trắng. “Những người tử vì đạo không
cần được tắm rửa hay mặc áo thụng.” Tôi được nghe câu nói này thường