bị thiêu trong những nấm mộ tập thể. Một số người vợ của họ đã mất hết hy
vọng và cố gắng tiếp tục sống. Một số khác vẫn khăng khăng tranh đấu cho
công lý, hy vọng những người yêu thương của họ sẽ trở về. Những người
đàn ông và đàn bà trong công viên là cha mẹ, là vợ của những người mất
tích. Các cuộc chiến tranh bẩn thỉu dường như đã có một cách để mang
những người mẹ đến các quảng trường thành phố.
Nhiều năm trước đây tôi có gặp bà Noora, bảy mươi tuổi, sống trong
căn nhà cũ nát gần Lal Chowk. Một lần, người con trai làm chủ tiệm của bà
đã đi ra ngoài chơi cricket ở sân Polo. Hàng xóm thấy những chiếc xe jeep
của Lực lượng Bảo an Biên giới dừng bên ngoài nhà họ, gần Ghanta Ghar,
một tháp canh cũ kỹ có chiếc đồng hồ không chạy. Bọn lính bán quân đội
tóm lấy người con trai, đẩy anh ta vào phía sau một chiếc jeep, rồi chạy mất.
Khi tôi gặp bà cụ trong gian bếp tù mù của bà thì anh ta đã mất tích tám năm
rồi. “Trong mấy năm trời, tôi và con gái mình đi đến tất cả trạm cảnh sát,
doanh trại, gặp tất cả chính trị gia chúng tôi có thể. Tất cả đều nói không với
chúng tôi. Rồi tôi phải gả hai đứa con gái của mình đi. Tôi không thể cứ lôi
chúng đến các doanh trại và đồn cảnh sát. Thiên hạ xì xào.” Khuôn mặt nhăn
nheo của bà chỉ thoáng chút xúc động, bởi dường như bà cụ đã quá mệt mỏi
vì phải kể đi kể lại câu chuyện mà vẫn không đi đến đâu. “Nhiều nhà báo
đến phỏng vấn tôi lắm. Thậm chí một số người angrez cũng đến và hứa hẹn
sẽ viết về con trai tôi. Nhưng con tôi vẫn chưa trở về.”
Con trai của bà Parveena Ahanger cũng vậy. Đứa con tàn tật mười sáu
tuổi tên là Javed bị bắt tại nhà trong một trận càn quét của quân đội năm
1990. Bà Parveena là một phụ nữ đẫy đà bốn mươi tuổi, người đã cùng với
một luật sư, ông Pervez Imroz, thành lập Hội cha mẹ của những người mất
tích để vận động và tranh đấu cho các phiên tòa. Khi thì bà động viên và lên
kế hoạch cùng với người thân của những thanh niên mất tích, tư vấn pháp lý
cho họ và xây trường học cho trẻ em. Khi thì bà lại đến sân bay Srinagar để
đi tham dự một hội nghị chuyên đề. Rồi có khi bà lại kể chính câu chuyện
của mình ở một nơi nào đó và đôi mắt nâu buồn bã cố kìm nước mắt. Mỗi
lần tôi thấy bà, bà đều đang đi cùng với một phụ nữ có chồng hay con trai
mất tích. Đối với họ, bà giống như một bà mẹ, vỗ về, an ủi, trách mắng, thúc