tòa lâu đài màu trắng lợp mái đỏ. Vị chính khách không ở nhà. Một cận vệ
của ông mời tôi vào trong phòng tiếp tân ốp gỗ có ba chiếc điện thoại, một
máy fax và một máy tính để bàn. Chúng tôi bắt đầu một vòng tham quan
quanh nhà. Hướng dẫn viên, một người địa phương trạc tuổi tôi, lặng lẽ đi
qua các gian phòng. Tôi nhìn ngắm bàn ghế, trần nhà và những bức tường
sơn trắng. Những tấm rèm màu mật ong được treo trên cửa sổ phòng ngủ
của tay chính khách trên tầng một. Tấm ga trải giường màu nâu. Những
cuốn sách luật và văn học bìa mềm và bìa cứng chất đầy trên kệ sách.
Hướng dẫn viên vén rèm cửa sổ để ánh sáng chiếu lên những vật lưu niệm
và phần thưởng bày trên mấy cái kệ. Tấm thảm thêu những trích đoạn kinh
Koran được treo trên vách tường và một bức tranh của họa sĩ Ấn Độ nổi
tiếng Raja Ravi Verma tô điểm cho vách bên kia. Hướng dẫn viên im lặng.
Cuối cùng, anh nói: “Đây là Papa-2, người anh em ạ! Đây chính là Papa-2.”
Một tiếng sau tôi đã về lại Lal Chowk và kể cho hai người bạn nghe về
chuyến viếng thăm của mình. Tôi nói rằng tôi cần phải gặp những người đã
sống sót qua Papa2. Đồng thời tôi cũng e sợ cái ý tưởng đó. “Tớ có thể tìm
họ ở đâu?” tôi hỏi. “Hỏi bất cứ ai ngoài đường. Một nửa dân Kashmir đã
từng bị vào đó. Hay là đi đến Maisuma, cậu sẽ tìm thấy mười người như thế
ở ngoài đường.”
Một lát sau, tôi đi ngang qua mấy tên lính và cảnh sát, hướng về văn
phòng của Mặt trận Giải phóng Jammu và Kashmir trong một khu ly khai
lân cận. Một nhóm thanh niên đứng bên ngoài một tòa nhà. “Có ai từ Papa-2
ra không?” tôi hỏi thăm. Im lặng một lúc. Rồi họ hỏi nhau: “Mày có ở trong
đó không?” “Không, tao ở Rajasthan.” “Không, tao ở Kot Balwal.” “Không,
tao ở Gogoland.” “Không, tao ở Ranchi.” Những cái tên tạo thành một bản
đồ các nhà tù Ấn Độ. “Thằng Sayeed ở Papa-2 đó.” “Thằng Irfan cũng ở
đó.” “Thằng Irshad cũng ở Papa-2.” “Thằng Shafi cũng ở đó.” Chưa đến
năm phút, tôi đã có được sáu cái tên. “Thằng Shafi chắc đang ở nhà,” một
người tên Abid nói. “Chúng ta đi nào.” Chúng tôi bước qua những ngả
đường hẹp, bùn lầy, qua những ngôi nhà cũ kỹ mộc mạc, có mái xô nghiêng
như đang cố bám víu nhau để tránh cái nắng yếu ớt của mùa đông. Các ông
cụ ngồi trước mấy cửa tiệm chăm chăm nhìn ra đường với ánh mắt vô hồn,