xương được sắp thành nhiều dãy. Suốt cả đêm, người ta tỉnh dậy la hét, chửi
bới lũ rận rệp, cố gắng ngủ lại, để rồi bị đánh thức bởi người tiếp theo đang
chiến đấu với lũ rệp vô lại đó. Một số người cũng ngủ được dù đèn không
bao giờ tắt. “Trong thời gian bị thẩm vấn, tôi bị buộc phải nhìn thẳng vào
những cái bóng đèn rất sáng. Thậm chí đèn trong phòng chúng tôi cũng có
thể làm bỏng cả mắt. Tôi thèm khát bóng tối.” Và bóng tối đã đến. “Ở đó, tôi
bắt đầu mất thị lực. Bây giờ tôi nhìn rất kém, dù có mang kính.”
Sau khi anh được thả, các bác sĩ đề nghị một cuộc phẫu thuật khôi phục
thị lực cho anh. “Tại sao anh không được mổ?” tôi hỏi. Shafi mỉm cười.
“Tôi không đủ tiền.” Anh không thể tìm được việc làm ở bất cứ đâu. Vào
mùa hè anh bán quần áo cũ trên một chiếc xe bằng gỗ ở Lal Chowk, mùa
đông anh theo anh trai mình đến Calcutta đi bán dạo những chiếc khăn
choàng Kashmir để lấy tiền hoa hồng. Gia đình muốn anh lấy vợ và bắt đầu
một cuộc sống mới. Họ đi tìm cho anh một cô gái. Không ai muốn lấy Shafi,
một người đàn ông đã kiệt sức vì những tháng ngày tranh đấu, tù đày và có
một tương lai bấp bênh không nghề nghiệp. Anh trai anh quen một gia đình
Hồi giáo sống trong khu ổ chuột ở Calcutta. Họ có một cô con gái lác mắt
không ai chịu cưới. Gia đình cô bằng lòng gả cô cho Shafi. Bây giờ cô đang
ngồi sau bức rèm, hỏi chúng tôi có dùng thêm trà không. “Cô ấy đang có
thai và tôi phải đưa cô đến Calcutta để sinh con.” Giọng anh có vẻ căng
thẳng.
Anh Shafi sống nhờ vào một ngàn rupee mà Yasin Malik, lãnh đạo
nhóm JKLF, cho anh mỗi tháng. “Tôi cũng đã cầu cứu những người lãnh đạo
khác. Tôi nói tôi bị rơi vào tình trạng này là bởi tôi đã hy sinh tuổi trẻ của
mình cho phong trào, nhưng tôi đã thất vọng.” Một số vị lãnh đạo phe ly
khai yêu cầu anh cung cấp bằng chứng về việc từng là quân khởi nghĩa và về
những năm tháng tù đày của mình. “Họ sống trong những ngôi nhà rộng và
lái những chiếc xe lớn mua bằng tiền đóng góp cho phong trào. Nhưng họ
không chịu giúp những người đã hy sinh cuộc đời mình vì việc nghĩa.”
Khuôn mặt anh méo xệch vì giận dữ, anh rít nhiều hơi thuốc dài và sâu. “Tôi
không bao giờ đến tìm họ nữa. Không có một kẻ cầm đầu nào ngoại trừ
Yasin Malik phải trải qua những gì đám thanh niên (những nghĩa quân bị