lại quay về với thế giới hiện tại và nghĩ đến ông bà của tôi, các dì, các bác,
anh chị em họ tôi, những người vẫn sống trong làng hay gần làng của tôi.
Tôi nghĩ về những cái kệ đầy sách của cha và khát vọng viết lách của mình.
Hầu hết các gia đình đều chấp nhận việc người thân của họ bị giết với sự
cam chịu và nỗ lực để tiếp tục sống. Dưới sự cai trị của chính quyền
Kashmir, bất cứ ai có người thân vô tội bị giết trong cuộc xung đột tại
Kashmir đều được cấp cho một công việc bậc thấp trong chính quyền và gia
đình được trả món tiền đền bù một trăm ngàn rupee. Trong giai đoạn đầu
của cuộc xung đột, hầu hết mọi người từ chối nhận số tiền đền bù kiểu như
vậy, vì cho rằng nó trái với luân thường đạo lý. Nhưng cuộc sống khắc
nghiệt và phức tạp hơn nhiều những ý nghĩ chống đối. Với thời gian, người
ta lật lại những bộ hồ sơ cũ và bắt đầu nghĩ đến việc làm cho cuộc sống của
họ dễ thở hơn, kể cả việc chấp nhận cái giá chính thức được trả cho một
mạng sống. Tôi đáng lẽ đã phải xin tiền bồi thường cùng với một công việc
như thế. Tôi đã chứng kiến việc đó xảy ra trong các gia đình bà con xa khi
tôi còn học đại học.
Một buổi trưa, khi tôi đang ngồi trong bếp nói chuyện với mẹ thì có
tiếng gõ cửa. Chú Bashir, em họ của bà sống tại ngôi làng cách nhà tôi một
giờ, đứng thất thần, níu lấy cửa để giữ thăng bằng. Giữa tiếng nức nở, chú
nói chậm rãi, “Bọn chúng đã giết Gulzar. Quân đội đã giết nó tối qua bằng
mìn.” Chúng tôi lùi lại một bước vì choáng váng. Chú Gulzar là em họ của
cả mẹ tôi và chú Bashir. Hai đứa em họ tôi, một người dì và ông bà ngoại
chạy vào nhà bếp. Ngoại tôi ôm chú Bashir và trang nghiêm đọc những lời
kinh cầu nguyện mà người Hồi giáo đọc khi có người chết: ina lilahi Wa ina
ilahi Rajioon (Những gì do Thượng Đế tạo ra sẽ trở về với Ngài). Khuôn
mặt nhăn nheo của ông đanh lại vì nỗi đau, còn đôi mắt xanh thì rưng rưng
lệ. Một hình ảnh của chú Gulzar thoáng hiện ra trước mắt tôi: một cậu trai
ốm yếu mười lăm tuổi đứng trong sân nhà, ria mép lún phún làm mép môi
trên của chú đậm hơn một chút so với khuôn mặt hồng hào. Tóc chú ngắn và
lỉa xỉa, và chú cầm một cậy gậy cricket.
Nửa giờ sau, gia đình tôi đi dự đám tang của chú ấy. Tôi ở lại. Phải có
người nào đó ở lại nhà, vì thật không an toàn khi để nhà không ai trông coi.