những người bạn là Pandit của ông và vẫn đến thăm họ ở Jammu và Delhi
mỗi dịp ông ở đó. Bà Kaul, chủ nhà trọ của tôi, thường kể những kỷ niệm về
Kashmir của bà. Bà kể một mạch về ngôi đền thánh Sheikh Nooruddin hoặc
việc viếng thăm các đền thờ gần ngôi nhà của tổ tiên mình ở trung tâm
Srinagar. Sinh sống tại nhiều thành phố khác nhau của Ấn Độ, các Pandit hy
vọng một ngày nào đó được trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ngay cả
những Pandit quá già để bắt đầu một cuộc đời mới cũng không quên được
mái nhà họ đã bỏ lại phía sau. Hầu hết nhà của các Pandit đều bỏ hoang hay
bị đốt trụi trong cuộc xung đột còn những khu đền thờ thì bị quân đội Ấn
chiếm đóng.
Vào thời thơ ấu, tôi và những đứa bạn Hindu đã viếng thăm các đền thờ
địa phương, nhất là đền thờ cổ Martand gần làng tôi. Tôi còn nhớ trong
chuyến viếng thăm đền Martand, thằng bạn Pandit tên Vinod kể cho tôi nghe
với thái độ hống hách rằng đền thờ đó được xây bởi họ Pandava, năm vị anh
hùng trong Mahabharata. Năm anh em đó đã đánh bại hàng trăm anh em họ
hung ác của mình, thuộc dòng họ Kaurvas, với sự giúp đỡ của Krishna.
Thằng Vinod còn kể với tôi rằng những tảng đá đồ sộ của đền thờ đã được
nhấc vào đúng vị trí của chúng bởi Bhima, người anh khổng lồ nhà Pandava.
Ông hiệu trưởng đã sửa sai cho chúng tôi: “Vua Lalitaditya, một trong
những vị vua vĩ đại nhất của Kashmir, đã xây đền thờ đó.” Vua Muktapida
Lalitaditya đã trị vì Kashmir từ cuối thế kỷ bảy đến giữa thế kỷ tám và
người ta tin rằng ông đã chinh phục nhiều phần của Ấn Độ, Iran và Trung Á.
Có thể nào đền thờ mặt trời Martand cũng trở thành đồn bót? Tôi tự
hỏi. Hoặc một thầy giáo nào đó vẫn kể cho đám học trò nghe về vị trí của nó
trong lịch sử Kashmir chăng? Tôi rời Srinagar để về làng thăm ông bà của
tôi một ngày rồi lên đường đi Martand. Tôi đón một chiếc xe buýt tại quảng
trường đông đúc ở Mattan, cách làng tôi và ngôi trường đầu tiên Lyceum của
tôi ba dặm, để đi đến đền thờ Martand. Chiếc xe buýt đi theo một con đường
ngoằn ngoèo lên một vùng cao nguyên tôi đã từng đến trong một chuyến đi
dã ngoại của trường. Những ngọn núi cằn cỗi, những con đường gồ ghề,
những ngõ hẻm sình lầy của các ngôi làng bao quanh Martand đã không
thay đổi gì trong hai mươi năm trời. Ngôi đền đá vôi xanh đứng đó như một