3
Những dặm đường đăng đẵng
○ ○ ○
C
uộc chiến đã làm thay đổi ý nghĩa của từ khoảng cách. Tôi rời trường để
về nhà gần như vào mỗi cuối tuần. Con đường làng như một dải lụa màu đen
uốn lượn qua những đồng lúa và mù tạt, rặng liễu, cây phong Iran uy nghi
hay cây chinar chạy dọc con suối chảy róc rách và những ngôi nhà nằm túm
tụm trong vài ngôi làng nhỏ. Nhưng một chuyến đi sáu tiếng đồng hồ trên
chiếc xe buýt địa phương thì thật nguy hiểm. Các xe tải quân sự và bán quân
sự chạy trên cùng một con đường, chở hàng tiếp tế giữa vô số doanh trại
hoặc đi càn quét trong các làng mạc. Quân du kích ẩn náu trong cánh đồng
gần đường cái sẽ nổ súng vào các đoàn xe quân sự hoặc kích nổ mìn được
chôn trên đường. Để trả đũa những đợt tấn công như vậy, bọn lính sẽ nã đạn
vào mọi hướng và đánh đập bất kỳ ai chúng tóm được.
Một hôm cuối tuần trên đường về nhà, tôi đứng ở giữa lối đi trên xe
buýt, gần bác tài xế. Xe buýt của người Kashmir giống như những quán cà
phê ồn ào. Hầu hết mọi người đều quen biết nhau. Những giọng nói đủ mọi
âm tầng tràn ngập cả xe. Bác tài mở một bài hát Bollywood và những lời hát
sầu muộn vang lên trong mớ âm thanh hỗn độn đó. Đi được một dặm, một
chiếc xe tải bán quân sự vượt mặt chiếc xe buýt của chúng tôi và lởn vởn
ngay phía trước. Những người trong xe hạ giọng và bác tài tắt nhạc. Bọn
lính thấy rằng, chạy gần một chiếc xe buýt dân sự sẽ ngăn quân du kích tấn
công chúng. Nỗi lo lắng bao trùm cả xe. Bác tài bắt đầu sốt sắng cầu
nguyện: “Lạy Chúa, tôi có ba đứa con nhỏ, xin ngài hôm nay đừng biến
chúng thành con côi. Xin hãy đưa chúng con về nhà an toàn.” Xe chúng tôi
chạy trong im lặng và hồi hộp chờ đợi. Rồi những giây phút đó cũng qua đi