khẩu súng như giơ cây ba ton. Tôi chờ hắn bắn. Mắt tôi không thể rời khỏi
mắt hắn. Rồi hắn hạ súng xuống và đẩy tôi bằng tay kia. Tôi biết hắn sẽ bắn
tôi. Nhưng hắn túm lấy một cánh tay tôi và thét lên, “Mày học ở cái trường
gần trại bọn tao. Tao thấy mày đi ngang qua hàng ngày. Bây giờ thì biến
khỏi đây ngay.” Hắn cho chiếc xe buýt và mọi người trên đó đi. Khi chúng
tôi về đến bãi đậu xe, một đám đông đã tụ tập lại.
Hai tiếng sau, một chiếc xe buýt khác lại về đến và ông tài xế kể với
tôi, “May cho chú mày là không có tên lính nào bị giết ở bãi mìn. Bây giờ
đường đã thông, nhưng chúng bắt đầu mở một cuộc đàn áp ở các làng xung
quanh.” Mười lăm phút sau, chúng tôi đi ngang qua nơi mìn phát nổ. Tôi
không thấy một tên lính hay một chiếc xe quân đội nào. Chỉ có những cây
dương liễu dọc hai bên đường, cánh đồng lúa, những mái tôn của một ngôi
làng nằm bên kia đồng và một cái hố rộng bên góc phải của con đường bị
lõm xuống sau vụ nổ. Ở các ngôi làng chúng tôi chạy ngang qua, những cửa
tiệm đều đóng cửa và những con đường vắng bóng người, ngoại trừ các toán
tuần tra của lính bán quân đội. May mắn là chúng đã cho xe chúng tôi qua.
Vài tuần sau tôi lại về nhà. Cuối tuần, chúng tôi chờ cha về thăm nhà từ
văn phòng của ông ở Srinagar, nơi bị hư hại nặng nề vì bạo loạn. Hàng ngày
chúng tôi nghe đài BBC Thế giới báo cáo về con số người chết ở đó. Cái
giọng trang nghiêm của Yusuf Jameel, phóng viên đài BBC tại Srinagar,
vang lên trong radio của chúng tôi hàng đêm: “Tôi nghe thấy tiếng súng.”
Tiếng đạn réo chết người sẽ vang lên trên radio trong vài giây và giọng cam
chịu của Jameel theo sau: “Lại một xác người vô danh nữa được tìm thấy
trên sông Jhelum ở Srinagar.”
Xế trưa hôm đó, mẹ sai tôi đi mua sườn cừu để bà nấu bữa tối cho cha.
Tôi bước ra khỏi nhà và nhìn thấy ông họ của mẹ, ông Saifuddin tóc trắng
phau, đang ngồi bên quầy rau của mình và nhìn rà soát khu chợ. Ông không
mua bán gì nhiều nhưng biết mọi việc diễn ra trong làng, vì ông dành hầu
hết thời gian dòm ngó xem ai đi đâu và hỏi chuyện không ngớt. Ông vẫy tôi
lại và hỏi, “Hôm nay là thứ bảy đấy! Sahib có về nhà không?”
“Dạ có, bố cháu sắp về tới rồi,” tôi đáp.