làm tao sợ chết khiếp. Đúng, tao là thằng hèn. Tao không muốn chết. Tao có
hai đứa con gái. Tao phải gả chúng nó trước khi tao chết.” Ông ôm cái đầu
hói tròn trịa của mình và khóc. “Mày cũng vậy nữa! Mà mày là con trai của
chị tao,” ông ấy nói, nhìn thẳng vào mắt tôi.
Không lâu sau, tôi đã hiểu hơn về nỗi khiếp sợ của ông. Một buổi tối
mùa đông nọ, tôi và thằng Wajahat đang xem bộ phim Ba chàng ngự lâm
pháo thủ. Dù là chiến tranh hay hòa bình, người ta cũng không thể để vuột
mất cơ hội xem một bộ phim như thế. Truyền hình Pakistan chiếu vô số bộ
phim Hollywood cổ điển. Chiếc tivi của chúng tôi thu tín hiệu kém, nên
thằng Wajahat và tôi phải tốn hàng mấy tiếng điều chỉnh ăng ten. Tôi sẽ vác
cái ăng ten trên một cọc gỗ từ mái nhà xuống bãi cỏ sân trước, qua chuồng
bò và xoay nó từ từ. Thằng Wajahat sẽ chạy không kịp thở giữa phòng khách
và chỗ tôi làm để báo cáo tiến trình. Thỉnh thoảng cái tivi sẽ bắt được hình
ảnh, nhưng âm thanh sẽ bặt vì nhiễu. Thỉnh thoảng chúng tôi có thể bắt rõ
âm thanh và những con người sẽ hiện lên màn hình như trong phim âm bản.
Rốt cuộc chúng tôi cũng sẽ dò được trúng chỗ cho cái ăng ten và hình ảnh,
âm thanh sẽ cùng song hành.
Tôi vặn âm thanh xuống mức nhỏ nhất, thắp một ngọn đèn và hạ hết
màn xuống để tránh mọi sự chú ý. Bên ngoài, đêm giới nghiêm vẫn nằm im
thin thít như một người đàn ông đang chờ đợi cuộc tập kích. Ba chàng ngự
lâm chiến đấu, nô đùa, mua vua cho chúng tôi một lúc. Bỗng tiếng ầm ầm
của những chiếc xe tải quân đội bên ngoài xua đi những trận đấu kiếm.
Chúng tôi tắt tivi và nhìn he hé qua màn cửa. Ánh đèn pha của chiếc tải thắp
sáng con đường vắng và những ngôi nhà xung quanh. Sau khi đoàn xe quân
sự đi qua, chỉ còn lại sự im lặng và vầng trăng đăm chiêu tựa mình vào
những đám mây.
Buổi sáng đến đột ngột bằng một câu thông báo thật to qua cái loa công
cộng của đền thờ: “Asalam-u-alikum! Đây là thông báo khẩn. Quân đội đã
bao vây làng. Tất cả đàn ông, thanh thiếu niên phải tập trung trong bãi cỏ ở
sân bệnh viện trước sáu giờ. Sẽ có một cuộc trấn áp. Từng căn nhà sẽ bị lục
soát. Đàn bà có thể ở nhà.” Ông Gul Khan, lão nông sống trong một cái lán
bằng gạch gần đền thờ và là người nhắc nhở việc cầu nguyện, lặp đi lặp lại