của trường đại học và thường gặp thằng Wajahat và vài người bạn khác ở
đó. Nó đang đứng trong một nhóm gần quầy cà phê. Tôi chậm rãi bước qua
những nhóm sinh viện đang chìm đắm trong những cuộc thảo luận sôi nổi về
chính trị, cười ha hả và thản nhiên tán tỉnh nhau.
Wajahat và bạn bè nó ngồi thành vòng tròn, để những ly giấy rải rác
trên một tảng đá nằm ngay giữa, phả khói thuốc phì phèo. Tay trái nó cầm
một cái khăn vải cotton. Mái tóc quăn, dài ướt sũng mồ hôi. Nó luôn luôn
thủ sẵn một cái khăn để ngăn mồ hôi chảy vào kính sát tròng. Nó nhìn thấy
tôi từ xa và nói gì đó. Mấy đứa bạn nó cười lớn. Bọn nó thường có những
nhận xét vô tư, so sánh công việc phóng viên “tẻ nhạt” của tôi với việc
nghiên cứu Hegel và Kant của chúng trong thư viện có máy lạnh.
Thằng Wajahat nhếch miệng. “Chào ngài Phóng viên, có gì mới
không?”
“À! Thì vẫn cái mớ chán ngắt thường lệ!” tôi ngồi xuống và mất vài
giây để trấn tĩnh. “Anh phải gọi điện về nhà.” Giọng tôi run rẩy.
Mặt nó cứng đờ và nó đứng dậy. “Chuyện gì đã xảy ra vậy?” Mắt nó tối
sầm lại, sợ hãi. Bạn bè nó vây lấy chúng tôi.
“Mọi người ổn cả. Cha mẹ đi ăn cưới ở làng Salia về thì một bãi mìn nổ
tung trên đường. Bây giờ họ đã về nhà an toàn rồi, nhưng đó là một trận hú
hồn.” Thằng Wajahat ngồi xuống. Tôi ôm nó. “Mình phải gọi cha mẹ ngay
bây giờ.”
Tôi choàng tay qua vai nó rồi đi với nó vào trạm điện thoại.
Chúng tôi bước vào một buồng kiếng bé xíu ở trong trạm để gọi điện
thoại đường dài. Cái quạt treo tường đang quay một cách vô vọng để chống
cái nóng tháng Năm khắc nghiệt. Thằng Wajahat giữ cho cửa mở hé và tôi
gọi về nhà. Điện thoại bắt đầu reo. Tôi đưa nó ống nghe và đứng đằng sau,
đặt tay trên vai nó. Nó nói chuyện trên điện thoại mà như đang trong cơn
mê. Đến khi gác máy, chúng tôi ôm chầm lấy nhau.
“Mình phải về nhà,” nó nói.
“Ừ, phải về thôi,” tôi đáp.
Wajahat phải đi thi trong vài ngày tới.