“Không có gì đau đớn hơn là nghe tin cái chết của con mình,” ông
Maqbool nói. Một buổi trưa nọ, ông mang bộ dụng cụ giải phẫu đi về phía
bàn mổ. Ông vừa đi vừa đọc các trích đoạn kinh Koran và cầu xin sự tha thứ
của những người chết cho việc đụng chạm vào thân thể của họ, một việc bị
cấm hoàn toàn trong thế giới Hồi giáo. Việc đọc kinh Koran đem lại cho ông
sự cam đảm. Maqbool giơ dao mổ lên, nhưng ông thấy đôi mắt của đứa bé
năm tuổi đang nhìn ông chằm chằm. “Đôi mắt của thằng bé như đang còn
sống. Như thể nó có thể nhìn thấy tôi vậy.” Ông Maqbool từ chối vụ mổ tử
thi đó. “Nó làm tôi nghĩ đến mấy đứa con của mình.”
Ông Maqbool có một con gái và hai con trai. Một đứa con trai lái xe lôi
máy, còn đứa kia đã bỏ ngang trung học. Cái thằng bỏ học hình như ngày
càng căm giận sự tàn bạo của quân đội Ấn Độ. Ông sợ nó sẽ gia nhập vào
một nhóm du kích. “Tôi rất sợ vì không biết lòng căm giận sẽ dẫn dắt nó đến
đâu.”
Đó là nỗi sợ hãi hầu hết bậc cha mẹ ở Kashmir đều mang theo. Thế hệ
lớn lên vào những năm chín mươi quá gần gũi với bạo lực. Chuyện này nhắc
tôi nhớ đến thằng em họ mười tuổi chuyên môn chơi trò ta-địch. Gậy chơi
cricket trở thành súng gỗ và banh nhựa bị bể được nhồi đầy vải vụn để làm
lựu đạn. Thằng em họ tôi và mấy đứa bạn nó nhảy vào vị trí chiến đấu. Một
thằng nhóc hô “Bắn!” và tụi nó giả vờ làm quân du kích và lính quân đội
đang bắn nhau chí chóe. Khi trời đổ tuyết và súng im đạn vắng, tụi nó lại
đắp tượng người tuyết, lấy mẩu than vụn làm đôi mắt.
Ông Maqbool dẫn thằng con cáu giận đến nhà xác. “Tôi nghĩ có thể
thuyết phục được nó phụ với tôi và nhân tiện canh chừng nó.” Thằng con
của ông đã không thể chứng kiến hết một cuộc khám nghiệm tử thi. “Nó nôn
ọe và không ăn uống gì trong ba ngày.” Như vậy là nó đã tránh xa các rắc
rối. Hai mươi lăm năm trước, khi nhận công việc của Sở Dịch vụ Y tế
Kashmir, ông Maqbool cho rằng mình đã may mắn. “Mới hôm qua, sau khi
đi làm về, tôi đem một ít trái cây về cho con gái. Nó buông cái túi đồ xuống
đất và kêu thét lên là quần áo của tôi hôi mùi máu quá.”
Viết về những cuộc đời nhuốm màu bạo lực như vậy thật đau đớn,
nhưng việc viết lách đã phần nào giải phóng tôi. Mấy năm trước, một tên đại