Quỳnh Hoa tiễn Chúa ra khỏi cửa. Hai cha con, kẻ nhìn theo,
người đoái lại, Chúa đã khuất sau một nếp tường hoa. Nếu ngài
quay lại, tất thấy Quỳnh Hoa mếu máo như một đứa trẻ thơ. Bàng
hoàng đứng không vững, nàng lả trong tay bầy thị nữ...
Từ đấy trở đi, thái độ Quỳnh Hoa đổi hẳn. Nàng không khóc lóc
nữa, để mặc đời trôi theo định mệnh. Nàng đã tìm ra một ý nghĩ để
yên ủi mình: ấy là sự báo hiếu. Những lúc đau đớn nhất, tưởng
như không chịu nổi cuộc đời, nàng chỉ vì ý nghĩ ấy mà còn bám vào
sự sống. Tuy vậy nàng cũng không còn cảm thấy một sinh thú gì ở
đời nữa.
Cho nên nàng thờ ơ với mọi việc. Thị nữ khuyên nàng nên cho
người đi tìm Quốc mẫu, nhờ Quốc mẫu can thiệp cho, nàng gạt đi
một cách cương quyết, mặc dầu nàng biết nếu Quốc mẫu biết
rõ chuyện thế nào cũng bắt cha nàng bãi việc hôn nhân. Quốc
mẫu đã bắt thì cha nàng phải vâng theo, vì cha nàng là một người chí
hiếu... Ngay sau khi biết tin gả bán, nàng có những dự định táo bạo:
nàng sẽ trốn đi tu ở một ngôi chùa nào tận rừng xanh núi đỏ, nàng
tính cả đến việc quyên sinh cho thoát nợ trần. Nàng còn muốn
giết cả Tuyên phi để trừ cho nước một cái họa tầy đình.
Bấy nhiêu ý định, nay nàng bỏ hết.
Nhưng có một việc mà nàng canh cánh trong lòng không sao
khuây khoả được, ấy là mối tình của Bảo Kim đối với nàng và mối
tình chớm nở của nàng đối với chàng thanh niên ấy.
Trước hết nàng tủi cho thân phận. Thật là kiếp vô duyên. Được
một danh sĩ, học vấn uyên thâm, văn chương tao nhã nhất thời đem
lòng luyến ái, nàng đã dệt trong trí cả một đời thơ mộng. Nàng đã
tưởng tượng đến cả đêm đuốc hoa, đằm thắm, nàng cùng chàng
bàn bạc chuyện văn chương. Con người nho nhã làm sao, khí phách