chung gối. Nàng rùng mình, có cảm tưởng như đứng trước một nơi
xú uế.
Nàng cho đời mình thế là hết, không còn sinh thú gì nữa. Mỏi
quá, đáng lẽ phải ngồi xuống giường, Quỳnh Hoa ngồi trên một
chiếc cẩm đôn. Các thị nữ xúm quanh lại, đứng hầu nàng, chờ lệnh.
Quỳnh Hoa không nói không rằng, nàng nghĩ vẩn vơ, thèm muốn
được như bầy thị nữ.
Hai vị đại thần sau khi trông nom cho Quận chúa yên sở rồi,
cũng trở xuống dưới lầu. Họ ăn mặc đại trào phục và ngồi trang
nghiêm như trong chốn miếu đường. Quỳnh Hoa cũng thấy yên
tâm, vì có sự che chở của hai vị cố lão.
Nàng giật mình nghĩ đến Bảo Kim. Chàng đã báo tin sẽ cùng anh
em đến cứu nàng, ngay đêm hôm cưới. Khi tiếp được tin ấy, nàng
rụng rời, sai ngay Ái Thi, Ái Nhạc chạy đi đưa thư cho Bảo Kim, can
ngăn chàng. Thư tuy đã đi, nhưng nàng vẫn lo sợ...
Thấy Ái Thi và Ái Nhạc đứng đấy, vẻ mặt buồn tênh, nàng sẽ ra
hiệu cho chúng lại gần và hỏi:
- Hai con đưa thư ban sáng cho ai?
- Thưa Quận chúa, Ái Thi đáp, chúng con đã trao thư cho công tử
Bảo Kim, theo lời Quận chúa dặn.
Nàng thở dài, nghĩ thầm:
- Thân ta là thân bỏ đi, sống đã vô duyên, chết cũng không có
điều chi oán hận. Đời thiếu ta được, nhưng không thể thiếu Bảo
Kim và các bạn chàng.
Lo cho Bảo Kim, nàng quên hết cả duyên số hẩm hiu. Đêm đã
khuya, gió tháng Chín thổi lành lạnh, đánh bật một chiếc rèm rơi