Trong hoàn cảnh sống cách biệt giữa băng giá, bọn ta đã quên mất
những hằn thù đáng thương và ngu xuẩn của thế giới này. Trong ba
năm trở lại đây, những hằn thù ấy vẫn còn dâng cao và gây căng
thẳng. Sự ngu ngốc quái gở của chúng gợi ta nhớ đến hình ảnh bầy chó
to xác bị xích con này đối diện con kia, con nào cũng gầm gừ chồm lên
chực giật tung dây xích để nhào tới xé xác con trước mặt. Mà chẳng có
lý do gì. Đơn giản chỉ là vì đó là con chó khác.
Hoặc có thể chỉ là do nó sợ con chó ấy...
Ta đọc các tờ nhật báo Úc. Hầu như khắp nơi trên thế giới đều
thường xuyên xảy ra chuyện rối ren nho nhỏ, và từ khi ta đi Nam cực
đến nay thì những rối ren ấy càng nhiều gấp bội. Ở biên giới tất cả các
nước, khi hàng rào thuế quan vừa được gỡ bỏ thì hàng rào cảnh sát lập
tức thay thế. Xuống sân bay Sydney, ta không được cấp phép để nhập
cảnh lẫn xuất cảnh. Hộ chiếu của ta thiếu phần visa quân sự gì đó
chẳng biết. Phải mất ba mươi sáu tiếng đồng hồ điên cuồng xoay xở,
cuối cùng ta mới có thể đáp chuyến bay về Paris. Ta run lên vì sợ bọn
họ chõ mũi vào mớ vi phim của mình. Lúc ấy họ sẽ nghĩ gì? Nhưng
chẳng ai đòi ta phải mở cặp khám xét. Ta còn có thể mang cả sơ đồ các
căn cứ nguyên tử cũng được, họ chẳng quan tâm. Chỉ cần có visa là
được, đó là quân lệnh. Thật ngu xuẩn. Là cái thế giới có tổ chức này.
Ngay khi Simon bày toàn bộ tài liệu trong cặp cho Rochefoux, lãnh
đạo đoàn thám hiểm Pháp về châu Cực xem, ông đã nhận lãnh công
việc với tinh thần quả quyết vốn có. Tuy đã gần tám mươi tuổi nhưng
mỗi năm ông vẫn bỏ ra vài tuần đến hai vùng cực. Mái tóc ngắn bạc
phơ ôm trọn khuôn mặt rám nắng, đôi mắt xanh thẳm và nụ cười lạc
quan khiến ông rất ăn ảnh, đài truyền hình thường không bỏ sót cơ hội
nào để phỏng vấn ông, nhất là phần đặc tả cận cảnh.
Ngày hôm ấy, ông đã triệu tập tất cả các đài truyền hình cũng như
báo chí toàn thế giới đến dự phiên bế mạc cuộc họp của tổ chức
UNESCO. Ông quyết định rằng việc giữ bí mật thông tin đã quá đủ, và