không. Nhưng con bé làm việc này với một sự nghiêm túc ngây ngô đến nỗi
tôi buộc phải kìm mình lại.
Sheila bắt đầu không còn cảm thấy cần thiết phải lò tò đi theo tôi suốt ngày
nữa. Con bé vẫn thường quan sát tôi, và đương nhiên sẽ đến ngồi gần tôi
nếu có quyền lựa chọn, nhưng nó đã cảm thấy không còn cần phải đụng
được vào tôi mới yên tâm như trước nữa. Vào những ngày không mấy suôn
sẻ, khi con bé gặp vài chuyện tồi tệ ở nhà, khi mấy đứa trẻ khác làm nó
không vui, hay khi tôi la rầy nó, con bé lại miết tay ngang eo tôi, và lại lẽo
đẽo theo tôi vòng vòng quanh lớp trong lúc tôi làm việc. Tôi không ngăn
cản nó làm điều này; tôi muốn con bé cảm thấy an toàn và biết chắc rằng tôi
sẽ không bỏ rơi nó. Có một ranh giới rất rõ ràng giữa sự phụ thuộc và quá
phụ thuộc đến mức dựa dẫm, nhưng tôi nhận thấy rằng hầu hết những học
sinh của tôi đều phải trải qua giai đoạn ban đầu vô cùng căng thẳng và cứ
bám lấy tôi như thế. Dường như đây là giai đoạn hoàn toàn tự nhiên, và nếu
mọi thứ diễn ra bình thường, thì đứa trẻ sẽ vượt qua được giai đoạn này, nó
sẽ có niềm tin hơn vào các mối quan hệ của mình và không cần bằng chứng
cụ thể chứng tỏ chúng vẫn đang được quan tâm nữa. Với Sheila cũng vậy.
Ít nhất thì cũng có một điều tốt đẹp đã xảy đến từ sau sự cố xảy ra ở lớp cô
Holmes. Tôi đã lần ra dấu vết của cha Sheila. Vào một buổi tối đầu tháng
Hai, sau khi đã xong việc ở trường, tôi và Anton lái xe đến trại tập trung
của dân nhập cư. Sheila và cha con bé sống trong một căn nhà nhỏ lụp xụp
bên cạnh đường ray xe lửa.
Cha Sheila là một người đàn ông cao lớn, chừng một mét tám, dáng nặng nề
với cái bụng to tướng và hơi thở có mùi rất kinh khủng. Lúc chúng tôi đến,
trên tay gã còn đang cầm một lon bia, và có vẻ như gã đã ngà ngà say.
Anton chui vào cái nhà bé xíu ấy. Thực ra thì đó chỉ là một cái buồng nhỏ,
được ngăn đôi ra bằng một tấm rèm. Bên này buồng là một cái ghế dài màu
nâu cũ nát, còn bên kia là một cái giường. Ngoài ra chẳng còn đồ đạc gì
khác. Cả căn buồng khai ngấy mùi nước tiểu lâu ngày.