thời gian thì có vẻ như nó đang bắt đầu nói chuyện bình thường hơn. Cuối
cùng, cũng trong tháng Ba năm ấy, tôi quyết định hỏi nó về điều này, giải
thích cho nó hiểu rằng nếu muốn đề cập đến một điều đã xảy ra trong quá
khứ thì sẽ có vài từ buộc phải nói khác đi. Con bé đón nhận những điều tôi
nói với một thái độ phản kháng đến mức đáng ngạc nhiên, nó hỏi rằng tôi
vẫn hiểu được nó, có phải không? Khi tôi nói đúng thế, tôi hiểu nó, nó lại
nói rằng nếu tôi hiểu nó thì nó nói sao mà chả được. Câu trả lời này làm tôi
hoàn toàn bị động, bởi vì tôi cảm thấy cách cư xử này của con bé đã được
suy tính trước ở một mức độ kỹ càng hơn so với những gì tôi nghĩ trước đó.
Không ai có thể đưa ra được lời giải thích khả dĩ nào về vấn đề này cả. Tất
cả những chuyên gia về ngôn ngữ mà tôi đã gửi mấy cuốn băng thu lại
những câu Sheila nói đều trả lời rằng đó là một dạng phương ngữ, và hỏi
xem con bé có phải là người da đen không. Khi tôi trả lời rằng không, nó
không phải là người da đen, và cách nó nói chuyện cũng không phải là kiểu
nói chuyện mà gia đình nó sử dụng, thì họ chẳng còn biết giải thích thế nào
nữa. Một đêm nọ, Chad và tôi nói chuyện về việc này, và anh đưa ra một ý
kiến rằng: có thể với việc không dùng thì quá khứ, con bé đang cố gắng để
cho mọi thứ được neo giữ trong hiện tại, khái niệm thời gian mà nó có thể
kiểm soát mọi thứ được tốt hơn. Càng suy nghĩ về những gì Chad nói, tôi
càng thấy có vẻ như đây là một lời giải thích thỏa đáng.
Sau cùng, tôi tạm kết luận rằng đó là một vấn đề xuất phát từ tâm lý và
không suy nghĩ gì thêm nữa. Chúng tôi hiểu được những gì con bé nói, và
có thể một ngày nào đó nó sẽ cảm thấy thoải mái hơn và tự mình thay đổi.
Nhưng ngay lúc này thì con bé vẫn chưa sẵn sàng.
Vấn đề vẫn luôn hành hạ trong tâm trí Sheila chính là việc con bé bị bỏ rơi.
Con bé luôn bị ám ảnh về mẹ và em trai nó, cứ tự hỏi không biết họ ở đâu
và đang làm gì. Những cuộc nói chuyện của con bé thường được nhấn
mạnh bằng những câu kiểu như nếu nó làm điều này hay điều kia tốt hơn,