vẽ hoặc giờ nấu ăn, nằm riêng với nhau bên gối trong góc tách biệt đặt mấy
chiếc lồng thú. Dường như trong mỗi đứa trẻ đều có một nhu cầu mạnh mẽ
được nói về những điều đó.
Những mẩu đối thoại rất tự nhiên và thường không quá sôi nổi. Tôi đã tích
lũy thêm nhiều kinh nghiệm để có thể trò chuyện về những chủ đề như tự
sát hay thiêu sống những con mèo một cách tự nhiên như thể tôi vẫn thường
lập danh sách đồ cần giặt ủi hay hỏi tỉ số một trận bóng chày vậy. Bọn trẻ
không cần biết những hành vi đó là sai trái hay mình đã khiến các bạn cùng
lớp sợ hãi hoặc làm cho mọi người khó chịu - chúng đã biết điều đó. Nếu
không thì ngay từ đầu chúng đã không phải vào lớp tôi. Thay vào đó, chúng
cần khám phá và hiểu rõ bản chất của những hành động đó, cảm giác của
chúng khi làm thế và vô số những chi tiết vô nghĩa liên quan đến chuyện
đó. Hầu hết tôi chỉ lắng nghe, đặt ra một hai câu hỏi nếu có gì không rõ, ừ ừ
để chúng biết tôi vẫn đang lắng nghe. Trong lúc đó tôi vẫn giữ cho chúng
tôi bận rộn bằng hàng đống việc không cần suy nghĩ như tô màu hay làm
giấy bồi để chúng tôi có thể trò chuyện mà không phải nhìn nhau, không
nhận thức được mình đang trò chuyện.
Sheila biết rõ tại sao con bé ở đây. Bắt đầu từ ngày thứ hai đến lớp, con bé
vẫn gọi chúng tôi một cách rất trìu mến là "lớp học điên khùng". Còn con
bé là một đứa điên khùng làm toàn những điều xấu. Con bé vẫn thường
tham gia trò chuyện cùng chúng tôi. Nhưng sự kiện ấy không bao giờ được
nhắc đến. Không nói với bọn trẻ. Không nói với tôi hay người lớn nào khác.
Không bao giờ. Tôi cũng không gợi câu chuyện ấy ra. Mặc dù ít khi tôi lảng
tránh vấn đề gì, nhưng bản năng tôi cho biết mình nên để yên chuyện này vì
một lý do duy nhất là tôi biết mình nên làm vậy. Vì vậy chúng tôi không
bao giờ nói đến chuyện đó. Tôi không bao giờ biết được những gì diễn ra
trong đầu Sheila vào buổi tối tháng Mười một giá rét ấy.
Tôi vẫn bối rối về cách diễn đạt của con bé. Con bé càng trò chuyện nhiều,
sự khác biệt giữa cách nói của nó và cách tất cả chúng tôi nói càng thể hiện