Tuyvesant, điều ấy không lạ, vì bà ta không bao giờ ở yên một chỗ.
Cái ngày 17 tháng chín ấy, bà đang đi xem hàng tá bất động sản, cách
chỗ chúng tôi chừng 50 dặm.
Stanford thì dự một cuộc hội nghị mấy ngày ở London. Sau này
tôi biết thêm Reuben Barker cũng ở không xa, quanh quẩn đâu đây.
Tất cả họ biết tin Ellie mất là qua báo chí, vì điện chúng tôi đánh
đều gửi về Mỹ.
Một cuộc tranh cãi nổ ra khi bàn nơi chôn cất Ellie. Tôi nghĩ đơn
giản nàng sẽ nằm lại chỗ chúng tôi đã sống, nhưng gia đình kịch liệt
phản đối. Phải đưa Ellie về Hoa Kỳ để nàng yên nghỉ tại nghĩa trang
gia đình. Suy đi tính lại, tôi thấy giải pháp ấy cũng chấp nhận được.
Để giải quyết vấn đề đó, Andrew Lippincott đến gặp tôi. Ông bảo
rằng Ellie không để lại chỉ dẫn gì về chuyện này.
- Tại sao cô ấy phải để lại? - tôi sẵng giọng đáp - Mới hăm mốt
tuổi, ai nghĩ đến chuyện sẽ chôn cất mình ở đâu! Mà nếu có đề cập
việc này, chắc chắn chúng tôi chọn được mai táng cùng nhau, dù ai
chết trước cũng vậy.
- Tôi hoàn toàn đồng ý. Bây giờ, xin báo anh biết, anh phải về
Mỹ, trước là dự lễ tang, sau là để xem xét một số giấy tờ liên quan
quyền lợi của Fenella.
- Những chuyện ấy tôi không hiểu, dính vào làm gì?
- Theo di chúc, anh là người thừa hưởng chính.
- Tại vì tôi là người thân cận nhất của vợ tôi?
- Không. Vợ anh, là người sở hữu nhiều của cải đã thảo một di
chúc lúc đến tuổi trưởng thành. Vài ngày sau khi lấy anh, cô ấy lại
thảo một di chúc khác. Văn bản được trao cho công chứng London lưu
giữ, và một bản sao nằm trong tay tôi.
Ông ta ngập ngừng, nói tiếp:
- Nếu anh về Mỹ - và tôi khuyên anh nên về - anh sẽ giao cho
một luật gia cẩn thận lo hộ các việc giao dịch.