Chung Viễn tựa vào mui xe, “Ừ. Không quay lại được nữa. Mọi
chuyện trong quá khứ, cho dù mới chỉ là ngày hôm qua, cũng không thể lấy
lại được, có lúc nghĩ, cuộc đời vừa vô thường vừa bất lực. Lúc đó tôi thuê
một căn hộ nhỏ sống cùng với Lâm Đồng, chính là cái căn lần trước em
nhìn thấy hình của cô ấy, sau khi cô ấy đi rồi tôi bỏ tiền ra mua lại nó. Lúc
đó tôi không có nhiều tiền, nhưng hàng ngày đều rất vui. Tôi còn nhớ, để
tiết kiệm tiền tôi phải dẫn cô ấy đến chợ bán sỉ mua hoa, lội ba quãng đồng
chỉ để tiết kiệm vài đồng bạc lẻ. Về nhà phát hiện chiếc giày mới mua mười
mấy đồng đã bị há miệng, lợi bất cập hại... Còn có một lần chúng tôi quyết
định đi ăn buffet - thứ mà chúng tôi luôn khao khát được ăn thử một lần,
trước khi ăn để bụng đói đến mức phải vịn cửa mà vào, ăn xong no đến
mức cũng phải vịn cửa đi ra. Vốn định ngồi xe về nhà nhưng lúc xe buýt
đến rồi, hai đứa no đến nỗi leo lên không nổi, đành từ từ đi bộ về nhà...”
Trình Vũ Phi muốn cười nhưng nước mắt lại cứ trào ra. Cô lấy tay
chùi nước mắt, lòng nghĩ mình sao thế này? Rõ ràng là bác sĩ cấp trên đang
kể chuyện cười, đáng lẽ mình phải hưởng ứng cười ha hả mới đúng, sao lại
rơi nước mắt thế này? Cô thử toét miệng cười, nhưng nước mắt lại càng
tuôn rơi, lã chã.
Chung Viễn lặng lẽ nhìn cô, hồi lâu mới nhẹ nhàng nói, “Vũ Phi, em
biết tôi rất thích thơ ca không? Nhà thơ tôi thích nhất là Đới Vọng Thư.
Đặc biệt thích bài Cô đơn của ông: Trong vườn cỏ dại mọc xanh um / Bám
rễ lên những dấu chân tôi xưa cũ / Khoác chúng chiếc áo màu thanh xuân /
Sự dùng dằng dưới sao mất đi từ đó / Năm tháng qua đi, cô đơn còn ở lại /
Gửi hồn vào cỏ dại xanh um / Giống như những linh hồn tội nghiệp / Hình
dáng cao hệt như tôi / Tôi nay chẳng còn quay lại vườn xưa nữa / Cô đơn
đã cao hệt như tôi / Đêm tôi ngồi nghe gió, trong mộng mị nghe mưa / Chợt
hiểu trăng vì sao khuyết, trời vì sao già. Vũ Phi, lần đầu tiên đọc bài thơ
này, chỉ cảm thấy ý tình đẹp mà thê lương. Sau này tuổi tác nhiều lên mới
dần dần hiểu được ý nghĩa của nó.”