«Vậy sao? Em thật là ngoan.»
Nhan sắc của cô gái làm đám hành khách thưa thớt của ngày đầu năm chú
ý. Ông lại nói:
«Đây là lần thứ hai mà tôi phiền em. Bữa trước đã đến khách sạn đón, hôm
nay lại ra ga đưa.»
«Không, ông không có gì phiền em cả.»
Keiko mặc nguyên chiếc kimono xa-tanh xanh hôm qua có minh họa mấy
con choi choi chơi đùa trong tuyết. Màu lông chim tươi vui, nhưng với tuổi
cô bé, y phục như vậy thì hơi kín đáo và tẻ cho ngày Tết. Ông khen:
«Áo em đẹp quá! Cô Ueno vẽ cho em phải không?»
Thoáng đỏ mặt, Keiko nói:
«Dạ thưa không. Chính tay em vẽ đấy, nhưng em biết em vẽ cũng còn
xoành xĩnh lắm...»
Thật ra màu áo hơi nhũn lại làm khuôn mặt cô gái đẹp hơn. Có gì rất trẻ
trung trong sự hòa hợp các màu, trong hình thể những con chim, và ngay
trong những bông tuyết như đang nhảy múa.
Keiko trao ông gói đồ ăn Otoko biếu, cùng ít dưa muối đặc sản của Kyoto.
«Cô em gửi để ông dùng trên tầu.»
Trong mấy phút tầu chưa chạy, Keiko đứng nán lại dưới sân ga. Ngắm bán
thân Keiko qua khung cửa sổ, ông thấy người con gái như trái cây chín tới.
Ông chạnh nghĩ ông chưa bao giờ được thấy Otoko khi nàng vừa mãn khai.
Xa nhau, nàng mới mười bảy, gặp lại hôm rồi nàng đã bốn mươi.
Ông mở gói đồ ăn khi trời còn sáng, lúc mới bốn rưỡi chiều. Trong gói có
mấy món ăn ngày Tết, và những nắm cơm nhỏ mà ông đoán nàng đã tự tay
nắm với tất cả ân cần. Otoko đã sửa soạn bữa tối này cho con người năm
xưa đã hủy hoại tuổi xuân của nàng. Nhai từng miếng cơm nhỏ, ông cảm
thấy trong miệng cái vị ngọt ngào của tha thứ. Rồi ông nghĩ đây không phải
là tha thứ mà là tình yêu, cái tình yêu còn sống trong tim Otoko.
Từ ngày Otoko theo mẹ về Kyoto, ông chỉ biết là nàng đã thành một danh
họa. Có thể nàng đã có những mối tình khác, những liên hệ khác. Tuy
nhiên, mối tình tuyệt vọng đam mê tha thiết của cô gái nhỏ, mối tình ấy
nàng đã dành cho ông. Còn đời ông, sau Otoko đã có nhiều người đàn bà