cầu này... Nhưng tôi không muốn nói là tôi xin ông cưới con Otoko ngay
bây giờ. Nó có thể đợi ông hai năm, ba năm, năm năm, hay bảy năm cũng
vậy. Nó là loại con gái biết đợi. Nó mới mười bảy...»
Nghe bà nói, ông nghĩ Otoko đã thừa hưởng được cái đam mê của mẹ.
Chưa đầy năm sau, bà mẹ bán nhà ở Tokyo để dọn về Kyoto với con gái.
Otoko theo học một trường trung học nữ, trễ mất một lớp. Tốt nghiệp, nàng
ghi tên vào trường Mỹ thuật.
Hai mươi năm sau, ông mới có dịp ngồi với Otoko nghe chuông giao thừa
tu viện Chion, và nàng mới có dịp gởi ông mấy món ăn nguội mang theo
lên tầu. Gắp đồ ăn lên miệng, ông nghĩ món nào Otoko nấu cũng đúng theo
truyền thống Kyoto. Ông đã ăn bữa điểm tâm gọi là tết tại khách sạn
Miyako, nhưng món canh bánh dày nóng của họ chỉ tết cho có lệ. Phải nói
hương vị tết của ông nằm cả trong bữa ăn nguội nàng gửi cho ông mang
theo lên tầu. Còn những bữa cơm ngày tết tân thời người ta dọn cho ăn ở
Kamakura thì không còn gì là Nhật nữa, mà làm cho ông liên tưởng đến
những tấm ảnh màu của mấy tập san phụ nữ.
Otoko tuy bận rộn như Keiko đã cho hay, vẫn có thể dành mươi mười lăm
phút ra ga tiễn ông. Nhưng nàng đã không làm. Cũng như hôm qua trước
mặt mọi người, nàng đã không nhắc được chuyện cũ, nhưng rõ ràng là có
luồng điện giữa ông với nàng. Bữa ăn nguội hôm nay cũng cùng một ý
nghĩa...
Tầu sắp chuyển bánh, ông vỗ nhẹ vào cửa kính. Sợ Keiko không nghe thấy,
ông hạ kính xuống vài phân. Ông nói với cô gái:
«Cảm ơn em lần nữa. Có gia đình ở đấy, chắc em thường đi Tokyo phải
không? Vậy thì bao giờ có dịp, em ghé thăm ta nhé. Em tìm nhà ta chắc
cũng dễ thôi. Kamakura là tỉnh nhỏ, ra khỏi ga, em chỉ cần hỏi đường là tới.
À mà em cho ta xem tranh của em nhé. Những tấm tranh mà cô Ueno gọi là
tranh điên ấy.»
«Ôi, cô em làm em ngượng quá.»
Ánh mắt cô gái thoáng vẻ khác thường.
Oki nói:
«Nhưng cô Ueno có muốn vẽ điên như em, chắc gì đã vẽ được, phải