không?»
Tầu ngừng không lâu, và câu chuyện hai người cũng phải ngắn gọn.
*
Oki đã viết nhiều truyện, khai triển cái đặc biệt cái bất thường, nhưng cho
đến bây giờ, ông chưa sáng tác những tác phẩm gọi là «trừu tượng». Chỉ vì
một số từ ông dùng khác với ngôn ngữ hàng ngày mà người ta gọi mấy tác
phẩm của ông là «ấn tượng» hay «trừu tượng». Thủa trẻ, Oki đã để tâm chế
ngự xu hướng văn học gọi là trừu tượng hay ấn tượng này trong văn ông.
Chẳng qua là tại ông thích thơ ấn tượng Pháp, thơ Shin-Kokin-Shu, thơ hài
cú, và ông đã tập dùng những từ ấn tượng hay trừu tượng để diễn tả chuyện
cụ thể hay hiện thực.
Ông tự hỏi là Otoko bằng da bằng thịt liên hệ thế nào với Otoko nhân vật
tiểu thuyết của ông? Sự việc thật ra không giản dị. Trong cả văn nghiệp của
ông, tác phẩm sống lâu nhất và vẫn còn nhiều người đọc bây giờ là cuốn
tiểu thuyết kể lại mối tình của ông với nàng hồi nàng mới mười sáu mười
bảy. Từ khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết đã làm Otoko thiệt thòi vì người đời
soi mói. Nó đã cản trở không ít những cơ hội hôn nhân của nàng.
Nhưng vấn đề là bây giờ, sau hơn hai mươi năm, nhân vật Otoko vẫn còn
quyến rũ độc giả. Nhân vật có lẽ quyến rũ hơn là người mẫu. Nó không
hiện thực là chân dung Otoko mà hoàn toàn do ông tạo ra. Là tác giả, ông
đã thêm thắt, đã hư cấu, đã lý tưởng hóa nhân vật.
Bỏ sang bên chuyện ai quyến rũ hơn ai, ông không biết cô Otoko nào thật
hơn, cái cô ông tạo ra hay cái cô mà chính Otoko sẽ tạo ra nếu nàng tự kể
chuyện mình.
Tuy nhiên nhân vật truyện ông vẫn là Otoko. Không có nàng thì cuốn tiểu
thuyết này đã chẳng bao giờ ra đời. Chính nhờ nàng, mà tiểu thuyết của ông
sau hai mươi năm vẫn tiếp tục được đọc. Nếu không gặp Otoko, Oki đã
không được sống với một mối tình như vậy.
Ông không biết gặp nàng, yêu nàng khi ông ba mươi mốt tuổi là may mắn
hay tai họa cho đời ông, nhưng phải công nhận rằng cuộc tình đã cho ông
những bước đầu thuận lợi trên con đường văn nghiệp.
Ông đã đặt cho cuốn truyện cái tựa «Cô gái mười sáu». Cái tựa bình