phố đến cuối phố. Không bận tâm vì chỗ thiếu riêng tư, Keiko cắn mạnh
ngón út của Otoko. Nàng đau điếng nhưng không nhúc nhích. Keiko đưa
lưỡi nghịch đầu ngón tay nàng, rồi nhả ra và nói:
«Cô vừa tắm, ngón tay nhạt phèo à...»
Cảnh đẹp làm Otoko nguội cơn giận. Nàng suy nghĩ có lẽ tại nàng mà
Keiko đã hư hỏng và ngủ với Oki. Keiko vừa xong trung học khi tới thăm
nàng lần đầu. Cô gái kể đã bị chinh phục tức thì sau khi thấy tranh của
Otoko tại một cuộc triển lãm và ảnh của nàng trong một nguyệt san hội
họa. Đó là cuộc triển lãm ở Kyoto. Quần chúng nhiệt liệt hâm mộ tác phẩm
của Otoko, và nàng đã đoạt được một giải thưởng. Bức tranh trúng thưởng
ấy Otoko lấy cảm hứng từ một tấm ảnh năm 1877 chụp một ca kỹ tên là
Okayo, để vẽ thành hai ca nhi đang chơi đố chữ. Tấm ảnh dùng xảo thuật
đưa ra hai hình của cùng một kỹ nữ Okayo. Hai cô gái ăn mặc giống hệt
nhau. Một cô nhìn thẳng, ngón tay xòe ra, trong khi cô kia trong thế bán
diện thì bàn tay lại nắm lại. Otoko thấy bàn tay, nét mặt và thân hình hai cô
gái ngộ nghĩnh. Cô gái bên phải xòe ngón cái rời xa ngón trỏ, trong khi các
ngón khác lại cong ra đàng sau. Otoko cũng thích chiếc áo hoa in của cô kỹ
nữ, tuy không đoán được màu vì ảnh trắng đen. Hai cô gái ngồi đối diện lò
sưởi bên trên có treo ấm nước bằng gang. Ngoài ra còn có một nậm sa-kê,
nhưng Otoko thấy những chi tiết này tầm thường và thừa thãi nên đã bỏ
qua. Tất nhiên là nàng vẽ cô kỹ nữ hai lần thành hai người đàn bà chơi đố
chữ với nhau. Otoko gắng tạo ra cảm nghĩ bất ổn cho người ngắm tranh, là
hai cô gái tuy hai mà một, và mỗi cô gái tuy một mà hai. Hay đúng ra,
không có hai mà cũng không có một.
Để tránh cho bức tranh khỏi nhạt nhẽo, Otoko đã bỏ nhiều công phu vẽ
chân dung hai cô gái. Hoa văn tỷ mỷ trên y phục làm nổi bật bốn bàn tay.
Tuy tấm họa không hẳn chép lại tấm ảnh, nhưng dân Kyoto trông qua là
biết tranh vẽ từ tấm ảnh một kỹ nữ thời Minh Trị.
Một người buôn tranh ở Tokyo thích bức họa và tìm gặp Otoko. Ông ta thu
xếp để triển lãm tại Tokyo một số tranh khác khổ nhỏ của nàng. Đó là lần
Keiko thấy những tranh đó, vì cô gái chưa bao giờ được nghe tiếng họa sĩ
Ueno của cố đô.