quần áo màu đen trang trọng của bà, khuôn mặt nhăn nheo im lìm, đôi mắt
chớp chớp cảnh giác. Tôi biết rằng không ai trên thế gian này, kể cả Nunu,
có thể cứu vớt được tôi.
Nhưng “biết” tất cả những điều này cũng vô ích; tự nhiên tôi cảm thấy
dễ chịu trong lòng, như một kẻ không còn bị mối nguy hiểm nào đe dọa. Tôi
nhớ đã nói đùa với Nunu. Chúng tôi ngồi ngoài vườn, lắng nghe tiếng vo vo
của bầy ong mật say ngất hương vị mùa thu, thủ thỉ với nhau hồi lâu về
Lajos và những đứa trẻ, về Vilma, người chị gái đã mất của tôi. Chúng tôi
ngồi trước nhà, dưới ô cửa sổ căn phòng nơi hai mươi năm trước mẹ tôi qua
đời. Phía trước mặt là hàng cây bồ đề và tổ ong nuôi của cha; nhưng tổ ong
trống rỗng. Nunu không thích tỉ mẩn với những tổ ong, một ngày chúng tôi
đã bán hết cả mười tám gia đình ong mật. Tiết trời tháng Chín, không khí êm
ả và ấm áp. Chúng tôi ngồi trong sự an toàn quen thuộc, sự an toàn của một
con thuyền bị đắm và niềm hạnh phúc không mong cầu. Thế nhưng, tôi nghĩ
Lajos còn có thể lấy đi cái gì nữa từ nơi đây?… Bộ đĩa bạc?… Mối ngờ vực
nực cười, cái đĩa bạc méo mó thì có đáng giá gì? Rồi tôi nhẩm tính, Lajos đã
hơn năm mươi tuổi. Mùa hè năm ấy anh ta năm mươi ba. Mấy cái thìa bạc
chẳng giúp anh ta được nhiều hơn; còn nếu anh ta vẫn cần thì cứ việc. Nunu
chắc cũng nghĩ vậy. Bà thở dài đứng dậy đi vào nhà, từ bục hàng hiên, bà
nói:
– Con đừng ở lâu một mình với anh ta. Hãy mời Laci, bác Endre, Tibor
đến ăn trưa, như những Chủ nhật khác, khi các con cùng có mặt và hồn
nhiên chọc ghẹo nhau. Lajos luôn sợ bác Endre; ta dám chắc là anh ta còn
nợ bác ấy. Có ai mà anh ta không nợ? – bà hỏi rồi bật cười.
– Họ quên cả rồi, – tôi nói và cuời theo.
Tôi đã bảo vệ Lajos. Tôi có thể làm gì được? Lajos là người duy nhất
tôi yêu trong cuộc đời mình.
4.
III