quanh Lajos chẳng khác cỏ dại mọc um tùm ở một miền thiên nhiên thích
hợp. Anh sẽ bán đi, sẽ đánh bạc hết, tôi nghĩ; và cái việc anh trao tôi chiếc
nhẫn đã làm tôi hơi cảm động. Đến lúc ấy – Chúa ơi, hãy ban sức mạnh để
con có thể thành người thành thật! – phải, cái khoảnh khắc khi chúng tôi
ròng quan tài chị gái tôi xuống lòng đất đã khơi dậy trong tôi niềm hy vọng,
biết đâu điều này sẽ xoay chuyển cuộc đời của Lajos, của những đứa trẻ, có
lẽ của tôi nữa, theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Chiếc nhẫn sẽ không còn mang
ý nghĩa gì nhiều so với toàn bộ cuộc đời… Tôi đã cất chiếc nhẫn đi với
những ý nghĩ như thế. Sau này, khi chia tay, tôi mang nó theo cũng vì như
vậy, rồi cất giữ nó cùng chúc thư và những kỷ vật của mình.
Trong những năm tháng đó, biết bao lâu không gặp gỡ Lajos, tôi cũng
chưa bao giờ xem kỹ chiếc nhẫn, tôi biết chắc trong sự bình thản của kẻ
mộng du, chiếc nhẫn là giả.
“Tôi biết”, lời lẽ quái lạ làm sao! Chưa bao giờ tôi cầm chiếc nhẫn
trong tay. Tôi e sợ nó. Tôi sợ cả cái nhận thức không bao giờ thốt lên được
thành lời ấy. Tôi đã ý thức được tất cả những gì Lajos đụng vào đều đánh
mất dáng dấp xác thực của chúng, chúng tan rữa ra thành những nguyên tố
và biến hóa như những thỏi kim loại quý trong lò luyện của thầy phù thủy…
Tôi đã ý thức được, Lajos có thể làm giả không chỉ những viên đá và kim
loại đơn thuần mà cả những con người. Tôi cũng biết rằng một chiếc nhẫn
không thể giữ được sự trinh nguyên của nó trong tay Lajos; Vilma mắc bệnh
rất lâu, chị tôi không thể trông nom việc gia đình. Lajos sắp đặt mọi thứ
trong nhà mà không bị kiểm soát, anh đã tìm thấy chiếc nhẫn… Trong giây
phút này, khi Nunu nói ra, tôi biết điều đó là đúng. Lajos đã đánh lừa tôi
bằng chiếc nhẫn như đánh lừa với bao thứ khác. Tôi ngồi dậy trên giường,
gương mặt tôi có lẽ trắng bệch:
– Nunu đã đem đi xem rồi à?
– Ừ, – Nunu bình tĩnh nói. – Một hôm con vắng nhà và giao chìa khóa
cho ta. Ta đã mang đến thợ kim hoàn. Lajos đã tráo chiếc nhẫn bạch kim.
Anh ta đổi bằng một thứ kim loại màu trắng kém giá trị. Họ bảo là vàng