Nunu bày bàn điểm tâm, khách khứa ngồi ngoài hàng hiên, lại chào hỏi
nhau và dùng bữa một cách không thoải mái. Mọi người đều cảm thấy, chỉ
sức mạnh ma quái của Lajos mới khiến sự gượng gạo này tan biến. Như thể
mọi ngôn từ, mọi câu nói đều thuộc về những vai kịch. Mỗi giờ đồng hồ đều
là một sự sắp đặt; “màn một”: ăn sáng, muộn hơn “thăm vườn”. Đôi khi, với
con mắt đạo diễn, Lajos phát hiện ra không khí ỉu xìu ở một nhóm nào đó,
anh vỗ tay và khơi nhịp. Nhưng cuối cùng, anh bỏ mặc họ để ở lại một mình
với tôi ngoài vườn. Laci vẫn đang phấn khích, vừa ăn vừa trò chuyện, anh
trai tôi hoàn toàn để cho niềm vui cuốn mình đi, bởi Laci là người đầu tiên
lập tức bị khuất phục, anh đã quên hết mọi hồ nghi, sung sướng tắm mình
trong ánh hào quang của bạn, trong sự hiện diện của Lajos. Câu nói đầu tiên
Lajos thốt lên khi quay sang tôi là:
– Bây giờ chúng ta sẽ giải quyết tất cả.
Tim tôi đập dồn hồi hộp. Tôi không trả lời. Tôi đứng đối mặt anh, dưới
tán bạch lạp, cạnh tảng đá, nơi anh từng nói dối vô sô lần, và ngắm kỹ anh.
Lajos có vẻ buồn. Nỗi buồn của một tay phó nháy, hoặc một chính trị
gia về già không theo kịp thời gian chẳng học được thêm mưu mẹo gì, đành
dừng lại với những thói quen cũ kỹ, cổ hủ. Hoặc có vẻ gì đó của một tay
nuôi dạy thú về già không còn uy phong với lũ thú dữ nữa. Trang phục của
anh cũng cổ lỗ sĩ một cách đặc biệt: như một nguời đua đòi theo thời trang,
nhưng bị một thứ gì đó từ bên trong ngăn cản khiến không thể trở nên sang
trọng, họp mốt như mong muốn. Cổ anh thắt chiếc cà vạt lòe loẹt, đối
nghịch với màu quần áo, tính cách anh và thời tiết. Quần áo anh màu sáng,
rộng thùng thình, theo thời trang của các diễn viên nuớc ngoài trên những
tấm bưu ảnh. Tất cả đều mới, và được lựa chọn không theo một gu gì, kể cả
giày và mũ. Có chút gì bất lực ở đó. Lòng tôi se lại. Có lẽ, nếu anh đến với
vẻ tàn tạ, bơ phờ và tuyệt vọng, thì tôi đã không ái ngại trước ấn tượng về sự
rẻ tiền này bởi ý nghĩ thân phận của anh chỉ đến thế. Nhưng dáng vẻ thô