“Thôi bỏ đi,” bà vợ bảo và lôi lũ trẻ từ trên cây xuống, “chúng mày làm
thế chỉ tổ càng tệ hơn.”
“NHÀ CÓ CHUYỆN GÌ THẾ? CÓ BẠO LOẠN Ạ? ĐÌNH CÔNG À?”
“KHÔNG CÓ GÌ ĐÂU.” (Không làm nó lo lắng thì hơn). “BÂY GIỜ
THÌ KHÔNG!!”
“Nó định về à?” người gác đêm hỏi.
“BỐ KHỎE CHỨ?” Biju gào lên giữa đường phố NewYork.
“ĐỪNG LO CHO BỐ. ĐỪNG LO GÌ Ở NHÀ CẢ. Ở KHÁCH SẠN
CÓ ĐƯỢC ĂN UỐNG TỬ TẾ KHÔNG? NHÀ HÀNG CÓ THU XẾP CHỖ
Ở CHO CON KHÔNG? BÊN ĐẤY CÓ NGƯỜI NÀO Ở UTTAR
PRADESH KHÔNG?”
“Họ cho chỗ ở. Cho cả ăn. MỌI THỨ ỔN CẢ. NHƯNG BỐ CÓ
KHỎE KHÔNG?” Biju hỏi lại.
“TÌNH HÌNH YÊN TĨNH RỒI.”
“SỨC KHỎE CỦA BỐ THẾ NÀO?”
“Ừ. MỌI THỨ ỔN CẢ.”
“À, mọi thứ ổn cả,” ai nấy gật gù bảo nhau. “Mọi thứ ổn cả chứ? Mọi
thứ ổn cả.”
Đột nhiên sau giây phút ấy họ không biết nói gì hơn nữa, vì tình cảm
tuy vẫn còn đó nhưng lời lẽ thì không, một cái đã đơm hoa kết trái nhưng cái
kia thì không, và họ rơi tõm vào một nỗi trống trải.
“Bao giờ nó về?” người gác đêm nhắc.
“BAO GIỜ CON VỀ?” “CON CHƯA BIẾT. CON SẼ CỐ…”
Cậu chỉ muốn òa lên khóc.
“CON KHÔNG XIN NGHỈ ĐƯỢC À?”
Cậu chưa từng được hưởng cái niềm vui khiêm tốn là thi thoảng được
nghỉ một ngày. Cậu làm sao mà về thăm cha được.