“Là tên Pháp.”
“Thế mà tôi không biết là chúng ta sống ở Pháp đấy. Hay là thế thật?
Mợ thử nói xem, vì sao tôi lại không nói tiếng Pháp nhỉ?”
Ông ta chỉ chực tống khứ bà đi, xua tay từ chối tấm bản đồ địa chính và
tập hồ sơ đất đai ghi rõ kích thước mảnh đất mà bà định giở ra trước mặt
ông ta.
“Người của tôi phải có chỗ ở,” Pradhan tuyên bố.
“Nhưng đất của chúng tôi…”
“Tất cả đất hai bên đường, ăn vào một mức nhất định, là đất của nhà
nước, và đấy là đất chúng tôi đang chiếm dụng.”
Những ngôi lều mọc lên chỉ sau một đêm ấy bây giờ đang chật ních đàn
ông, đàn bà, trẻ con, lợn, dê, chó, gà, mèo, bò. Lola có thể hình dung ra, chỉ
một năm sau, từ chỗ nhà tranh vách đất chúng sẽ trở thành bê tông gạch lát.
“Nhưng đấy là đất của chúng tôi…”
“Thế bà có sử dụng không?”
“Để trồng rau.”
“Bà trồng chỗ khác cũng được. Đem ra cạnh nhà mà trồng.”
“Trên đồi có chỗ nứt, đất yếu, rất dễ xảy ra lở đất,” bà rên rỉ. “Rất nguy
hiểm cho người của ông. Đất lở xuống đường…” Bà run lên như một sợi ria
chuột vì sợ hãi, dù bà khăng khăng tự nhủ đấy là vì giận dữ.
“Lở đất? Nhà họ xây đâu có to như nhà Mợ, chỉ là mấy túp lều tranh bé
tí. Đúng ra, nhà Mợ mới là dễ gây lở đất.
Nặng quá mà, nhỉ? To quá, nhỉ? Tường dày mấy tấc? Đá hay bê tông?
Mợ cũng giàu đấy chứ? Nhà cửa – vườn tược – kẻ hầu người hạ!”
Đến đây ông ta bắt đầu cười.
“Thật ra,” ông ta tiếp, “như Mợ thấy đấy,” ông ta trỏ ra xung quanh,
“tôi chính là tiểu vương ở Kalimpong này. Mà tiểu vương thì phải có nhiều
phi tần.” Ông ta hất đầu về phía những âm thanh từ nhà bếp vọng ra qua