Nhưng thế thì cái tên sai là gì? Biju không biết một cái tên nào dành
cho dòng nước đen ngòm này. Nó không phải lịch sử của cậu.
Rồi đến địt mẹ quyển Moby Dick ấy. Con sông địt mẹ đầy cá voi chết.
Địt mẹ xác cá lôi về chật cả sông, rồi địt mẹ đem nghiền trong nhà máy.
“Dầu, anh bạn ạ,” ông ta nói với vẻ hậm hực ghê gớm. “Địt mẹ, lúc nào
cũng chỉ vì dầu. Và đồ lót.”
Nhướn mày và phun bọt dãi.
“Coóc xê!!” ông ta đột ngột thốt lên.
“Không biết tiếng Anh,” Biju bắc tay làm loa và nói, rồi vội vã bỏ đi.
“Không biết tiếng Anh,” cậu luôn nói vậy với những kẻ điên khùng
định lân la tán chuyện ở thành phố này, với những gã lang thang tính tình
cắm cảu, và với những giáo hữu Kinh Thánh trong trang phục đại hạ giá
màu sắc lòe loẹt hay chầu chực nơi góc phố, săn đón mấy người vô thần
bằng những bài đạo đức và thể chất. Những tín đồ nhiệt thành của Hội
Thánh đấng Christ, Zion Thánh linh, những người cải đạo phát tờ rơi cung
cấp cho cậu thông tin cập nhật đáng giá triệu đô về hoạt động của quỷ dữ:
“QUỶ XA TĂNG ĐANG CHỜ THIÊU SỐNG BẠN,” cái tít gào lên.
“BẠN KHÔNG CÒN THỜI GIAN ĐÂU.”
Có lần, một giáo hội Hare Krishna của người Litva, từVilnius và
Vrindavan đến New York, đã tiếp cận cậu. Kèm theo cuốn sổ tay là ánh nhìn
lên án của một người ăn chay dành cho người cựu đầu bếp nấu thịt bò. Biju
nhìn anh ta cốt để khỏi phải nhìn một hình ảnh khiêu dâm. Trông nó không
khác gì một cô gái điếm – hở hang quá mức. Cuốn sách trong tay cậu có
trang bìa vẽ hình thần Krishna ra trận màu sắc lòe loẹt, cùng một dạng với
mấy tấm áp phích quảng cáo phim.
Ấn Độ là gì với họ? Bao nhiêu người đang sống trong phiên bản giả tạo
của xứ mình, trong phiên bản giả tạo của xứ người? Với họ, cuộc sống ấy có
phi thực tế như cuộc sống này của cậu không?