mấy món mụ nấu vào hố xí!”
“Sao ông không đem cho cái lão lang thang bẩn thỉu ấy,” Biju hỏi, vừa
để giúp người đàn ông vô gia cư nọ, vừa để sỉ nhục ông ta.
“Ôi không,” ông chủ đáp, “con mụ nặc nô ấy gớm lắm, mụ sẽ bất ngờ
xuất hiện và bắt quả tang lão đang ăn, những sự tình cờ như vậy hay xảy ra
với mụ lắm, và thế là tiêu đời ông bạn quý hóa của anh.”
Một phút sau, “Cậu định quay về thật đấy à??” ông ta kinh hãi hỏi, hai
mắt lồi ra. “Cậu đang sai lầm lớn đấy. Ba mươi năm ở cái xứ này, chẳng va
chạm với ai, dĩ nhiên là trừ con mụ nặc nô kia, chưa bao giờ tôi quay lại. Chỉ
riêng chuyện nhà vệ sinh thôi,” ông ta ngụ ý tiếng xả toa lét sau lưng mình.
“Chính ra họ nên để cái nhà vệ sinh lên quốc kỳ, giống như cái bánh xe dệt
vải của ta – thứ tiện nghi thượng hạng ở cái xứ này.”
“Quay về ấy à?” ông ta tiếp tục, “có họa mà điên – họ hàng sẽ đến xin
xỏ! Cả người ngoài cũng sẽ đến xin xỏ – cứ thử vận may thế thôi, biết đâu
cậu lại ị ra dollar thì sao. Tôi khuyên thật cậu đấy, bạn ạ, rồi cậu không thoát
được họ đâu; thoát được họ thì còn kẻ cướp; thoát được kẻ cướp thì còn
bệnh tật; thoát được bệnh tật thì còn cái nóng, thoát được cái nóng thì mấy
thằng Sardarji điên kia cũng sẽ bắn hạ máy bay của cậu trước khi cậu về đến
nơi.”
Trong khi Biju vắng nhà, Indira Gandhi đã bị người Sikh ám sát nhân
danh tổ quốc mình; Rajiv Gandhi đã lên nắm chính quyền…
“Rồi sẽ đến lượt ông ta. Chỉ là vấn đề thời gian thôi,” ông Kakkar nói.
Nhưng Biju nói: “Cháu phải về. Cha cháu…”
“Giời, cứ yếu đuối thế chẳng làm được gì đâu. Ông già tôi, chừng nào
còn sống ông ấy luôn bảo tôi rằng, ‘Tốt, cứ ở bên ấy, đừng về lại cái xứ thối
tha này nữa.’”
Ông Kakkar dùng cây bút bi có hình máy bay ở đuôi để khều đá trong
lon Diet Coke lên và nhai rau ráu.