bốn mươi hai
Dù đã được hối lộ bằng kẹo, nhưng ngay khi Gyan vừa rời khỏi nhà, cô
bé nhân chứng của trận cãi vã giữa anh và Sai đã theo sự thôi thúc khó bề
cưỡng lại của khát khao mách lẻo, và khi quay về, anh phát hiện ra cả nhà đã
biết chuyện vừa xảy ra, và mọi sự đã thành như chuyện phường chèo. Vụ
bàn tán về mấy khẩu súng đã gây ra một hiệu ứng bất ngờ là khiến bà anh từ
chỗ đang đờ đẫn tỉnh táo trở lại (thật ra, hương vị chiến tranh được hâm
nóng lại đã đem đến sinh khí mới cho người già trên khắp vùng đồi), và thế
là bà cụ lò dò bước tới, tay cầm tờ báo cuộn tròn. Gyan thấy bà lại gần và tự
hỏi bà định làm gì. Thế rồi bà cụ túm lấy anh và phết cho một phát vào đầu.
“Mày cứ liệu thần hồn. Lông bông như thằng ngốc, không chịu chuyên chú
học hành! Cứ thế rồi đời mày sẽ đến đâu? Tù tội thôi con ạ.” Bà cụ lại phết
cho Gyan mấy cái nữa vào mông, còn anh thì cố lẩn. “Đừng có dây với hủi,
biết chưa,” lại phết cho cái nữa để răn đe, “rồi lại khóc rống lên như con nít
ấy.”
“Nhỡ nó không làm gì thật thì sao,” mẹ anh lên tiếng.
“Thế con bé ấy mò đến tận đây làm gì? Tự nhiên chắc? Cứ tránh xa họ
ra,” bà nội anh quay lại Gyan và gầm gừ. “Mày mà dính vào rắc rối… nhà ta
thì nghèo… mình với người ta chỉ như con sâu cái kiến… Tao đến phát điên
mất, bố mày thì bỏ đi, mẹ mày thì nhu nhược không quản được mày,” bà cụ
lườm cô con dâu, sung sướng vì có cớ để làm như vậy. Khóa trái cửa nhốt
Gyan lại.
Hôm đó, khi bạn bè đến tìm anh, nghe tiếng xe jeep, bà nội anh lò dò
bước ra, ngước đôi mắt kèm nhèm những rỉ lên nhìn.
“Ít nhất thì cũng bảo là cháu ốm. Bà làm cháu mất mặt mất,” Gyan gào
lên, bị cái tôi con nít của mình lấn át.
“Nó ốm,” bà cụ bảo. “Ốm lắm. Không gặp các cậu được đâu.”
“Sao thế ạ?”