“Nó phải vào nhà tắm đi tatti liên tục,” bà đáp. Bên trong, anh thầm rên
rỉ. “Chắc là ăn phải cái gì ôi. Giờ nó như cái vòi nước ấy.”
“Mỗi nhà đều phải cử một người đàn ông đại diện gia đình tham dự
diễu hành.”
Họ muốn nói đến cuộc diễu hành lớn của ngày hôm sau, xuất phát từ
Quảng trường Mela.
“Ngày mai sẽ đốt hiệp ước Ấn Độ-Nepal.”
“Nếu các cậu muốn nó tatti vung vãi ra cuộc diễu hành…”
Họ bỏ đi và rẽ vào từng nhà trên đồi để nhắc nhở mọi người về sắc lệnh
quy định mỗi gia đình phải có một đại diện tham gia biểu tình ngày hôm sau,
mặc dù có rất nhiều người nại rằng đường tiêu hòa có vấn đề, tình trạng tim
không ổn, vỡ xương bánh chè, đau lưng… và trưng ra xác nhận của bác sĩ để
hòng được buông tha: “Ông Chatterjee phải hạn chế tiếp xúc với lo lắng và
bực bội vì ông mắc chứng cao huyết áp.”
Nhưng họ vẫn không được buông tha: “Thế thì cử người khác. Cả nhà
chắc hẳn là không ốm hết cả chứ?”
Một quyết định trọng đại đã qua, và Gyan, sau những phản kháng ban
đầu, đã thấy sự thanh thản êm đềm xâm chiếm lòng anh, và dù ra vẻ giận dữ,
thật lòng anh rất nhẹ nhõm vì được trở lại tuổi thơ. Anh còn trẻ, mọi việc
chưa có gì nghiêm trọng. Cứ để thế giới ngoài kia trôi đi một lúc, rồi đến khi
nào bình yên trở lại, anh sẽ đến tìm Sai và dỗ dành nàng trở lại làm bạn bè
như trước. Anh không phải người xấu. Anh không muốn chiến tranh. Tất cả
chỉ vì anh cố gắng tham gia vào những câu hỏi lớn hơn, muốn trở thành một
phần của chính trị và lịch sử. Nơi trú ngụ của hạnh phúc nhỏ nhoi hơn thế,
dù đó tất nhiên không phải là điều đáng để vênh vang; chẳng mấy ai đứng
dậy và tuyên bố, “Thật ra tôi là một thằng hèn,” nhưng sự nhút nhát của anh
có thể được ngụy trang dưới, ờ, dưới sự tồn tại hết sức bình thường trong vỏ
bọc của sự khiêm nhường. Thoát khỏi nỗi nhục nhã vì đã xử tệ với Sai giờ
anh lại có thể xảo hợp thoát khỏi một nỗi nhục khác khi tỏ ra tôn trọng bà