mình. Như mọi thứ khác, hèn nhát cũng cần có vỏ bọc của mình, lý lẽ của
mình, nếu nó trở thành triết lý sống của anh. Đạt được sự thỏa mãn không
phải là chuyện dễ dàng. Người ta phải bố trí nó cho khéo, ngụy trang cho nó,
vờ như nó là một điều gì khác.
Anh có nhiều thời gian ngẫm nghĩ, và khi thì giờ trôi đi, anh lấy một
cây bút chì cùn ngoáy đất ở rốn và lấy ráy tai, nghe đài và kiểm nghiệm độ
sạch sẽ của hai lỗ tai bằng tiếng nhạc, lắc trái, lắc phải: “Chaandni raate,
pyaar ki baate…” Thế rồi, thật đáng buồn khi phải nói rằng anh ngoáy rỉ
mũi đem cho một con nhện to tướng vằn vện như hổ chễm chệ trên cái lưới
chăng giữa bàn và bờ tường. Nó vồ lấy ngay, không tin nổi vào vận may của
mình, và từ từ nhấm nháp. Gyan nằm ngửa, co chân lên, uể oải làm bài thể
dục đạp xe.
Thế giới này có niềm vui tồn tại – thứ niềm vui nồng nàn, nhỏ bé
nhưng đem lại cảm giác bốn bề phơi phới tự do.
Nhưng rồi, cảm giác tội lỗi ào ạt quay về: Sao anh có thể tiết lộ cho
đám bạn về mấy khẩu súng? Sao anh có thể? Sao anh có thể đẩy Sai vào
hoàn cảnh nguy hiểm như thế? Da anh nóng bừng, sởn gai. Anh không nằm
yên trên giường được nữa. Anh chồm dậy và đi đi lại lại. Lẽ nào anh còn có
thể vui vẻ vô tư sau những gì đã làm?
Vậy là khi Sai nằm chịu đựng cực hình trong phòng, khi Gyan đầu tiên
ngẫm nghĩ về niềm vui được quay bánh xe một cuộc đời bình dị, rồi dằn vặt
vì những tổn thương mình gây ra, cả hai đã bở lỡ cuộc biểu tình phản kháng
quan trọng, giây phút quyết định của cuộc xung đột, khi hiệp định Ấn Độ-
Nepal năm 1950 sắp bị đốt, quá khứ sắp được gửi gắm cho ngọn lửa và bị
thiêu hủy hoàn toàn.
“Kiểu gì cũng phải có người đi…” người đầu bếp bảo ông tòa sau khi
mấy gã trai đã đến Cho Oyu yêu cầu gia đình cử người tham gia diễu hành.
“Ờ, thế thì ngươi đi đi,” ông tòa nói.