“Họ chỉ bồi thường cho Ấn kiều và cho người nước ngoài, còn công
dân Ấn Độ thì không, TẠI SAO?” Tất cả công dân Ấn Độ đều làm ầm lên,
“Bất công bất công BẤT CÔNG BẤT CÔNG!”
“Đây là chính sách của Air France thưa ngài,” nhân viên nọ nói, cố
gắng xoa dịu họ, “Người nước ngoài cần tiền để thuê khách sạn/mua bàn
chải…”
“Thế, nhà tôi tận Jalpaiguri, bọn tôi còn phải đi tiếp,”một phụ nữ nói,
“giờ chúng tôi phải ở lại qua đêm để chờ hành lý… Anh lý luận kiểu gì vậy?
Chúng tôi cũng trả tiền như ai. Người nước ngoài thì được nhiều, người Ấn
Độ thì được ít. Nước giàu thì đối xử tử tế, nước nghèo thì coi chẳng ra gì.
Nhục. Đâu ra cái thứ chính sách bất công với chính đồng bào mình như
thế??”
“Đây là chính sách CỦA Air France, thưa bà,” anh ta nhắc lại. Như thể
ném toẹt ra mấy tiếng Paris hay châu Âu thì sẽ ngay lập tức dọa được nhau,
khẳng định được sự liêm chính, và tắt đài mọi phản đối.
“Quần lót bẩn thế này thì làm sao mà tôi đi Jalpaiguri được? Người tôi
hôi hám thế này, đến lại gần người khác cũng đã thấy ê mặt,” người phụ nữ
đó tiếp tục, lấy tay bịt mũi và làm bộ nhăn nhó để cho thấy đến mình còn
xấu hổ khi ở gần bản thân.
Tất cả NRI
đều cầm thẻ xanh và hộ chiếu, nhìn rất thỏa mãn và văn
minh lịch sự. Đời nó là như thế, phải không? May mắn chất chồng may mắn.
Họ lắm tiền nhiều của và chính vì lắm tiền nhiều của nên họ sẽ càng lắm của
nhiều tiền. Với họ xếp hàng không thành vấn đề, họ kiên nhẫn chờ đợi, thể
hiện rằng họ không cần tranh đấu nữa; phong thái của họ cho thấy họ được
chăm sóc chu đáo nhường nào. Và họ không thể chờ đến lúc được mua sắm
– “Mua sắm ke liye jaenge, bhel puri khaenge… dollar me kamaenge, pum
pum pum. Công may chỉ có tám rupee, chỉ hai mươi hai xu!” họ sẽ nói, hân
hoan quy đổi tất cả sang tiền Mỹ; và trong khi hàng hóa được quy ra dol-lar,
tiền boa cho nhân viên phục vụ lại được tính bằng đồng nội tệ: “Một trăm