anh biết ông cụ không tự hào về mình? Có nhẽ đâu thế? Nhưng mà thế thật.
Anh biết ông cụ nghĩ gì: rằng chuyện nhập cư rất thường được coi là
hành động anh hùng ấy hoàn toàn có thể là điều ngược lại; rằng chính hèn
nhát đã dẫn nhiều người đến Mỹ; hành trình ấy ghi dấu sự sợ hãi, không
phải lòng dũng cảm; một khát khao sâu kiến lẩn trốn đến nơi anh chẳng bao
giờ phải thấy cảnh nghèo, hay đúng hơn là chẳng bao giờ phải tranh đấu với
lương tri; nơi chẳng bao giờ phải nghe lời cầu xin của họ hàng đang đi ở, đi
xin, phá sản, và nơi chẳng bao giờ có ai công khai đòi anh hào phóng; nơi
chỉ cần trông nom vợ-con-chó-vườn đến nơi đến chốn là đủ để anh thấy
mình đạo đức. Tận hưởng cảm giác nhẹ nhõm được làm một loài cây chiết
vô danh đối với người bản xứ và che giấu những sở kiến có được từ chuyến
di cư. Ohio là miền đất đầu tiên anh yêu quý, vì ở đó cuối cùng anh đã được
ung dung…
Nhưng rồi ông cụ ghé mắt nhìn anh, ngồi bắt chân buông quần lá tọa và
thủng thẳng xỉa răng, và anh biết ông cụ coi đó là sự tự tin có được nhờ đặt
mình vào một vị thế nhược tiểu. Và đứa con sẽ không kìm nổi cơn giận của
mình: Ghen tị, ghen tị với cả con đẻ của mình, anh ta sẽ nghĩ vậy, sự ghen tị,
thói cay cú của thế giới thứ ba…
Có lần, bố anh đã sang Mỹ, và ông cụ tỏ ra dửng dưng, kể cả trước kích
thước của ngôi nhà.
“Thế thì sao? Rộng lắm cũng chẳng để làm gì, chỉ tổ phí nước, phí
điện, phí sưởi, phí điều hòa, chẳng khôn ngoan tí nào, hả? Muốn đi chợ lại
phải lái xe mất nửa tiếng đồng hồ! Thế mà cũng gọi là thế giới thứ nhất à???
Ekdum bekaart!”
Ông bố và món xúc xích: “Xúc xích chán, bánh mì chán, xốt cà chua
chán, đến mù tạt cũng chán luôn. Mà hiệu ăn Mỹ hẳn hoi nhé! Xúc xích ở
Calcutta còn ngon gấp vạn!”
Giờ thì ông con đã có câu chuyện mất hành lý.
Biju rời sân bay bước ra giữa trời đêm Calcutta ấm nồng như bầu sữa
mẹ. Đôi chân cậu chìm trong lớp bụi mịn màng rắc rải dưới chân mình, và