… những đồng rupee nhờn mỡ tuồn qua giữa những bàn tay…
“Cảm ơn ngài,” một viên cảnh sát nói.
“Có gì đâu mà ơn với huệ,” người anh rể đáp.
Và chỉ trong nháy mắt anh đã có thể bỏ qua tất cả.
Ông tòa quyết định tin rằng đó là một tai nạn.
Tro bụi không trọng lượng, không hớt lẻo, nó cứ chế bay lên, quá phù
du cho tội lỗi; quá hời hợt cho trọng lực, nó bốc lên cao dần và, may thay,
biến mất.
Với nhiều người, những năm tháng ấy rất nhạt nhòa, và khi họ từ đó
bước ra trong kiệt quệ, cả thế gian đã thay đổi, mọi thứ đều có khoảng trống
– những gì đã xảy ra ngay trong nhà họ, những gì đã xảy ra đâu đó, thối rữa
như một dịch bệnh lây lan khắp nơi trong một thế giới giờ đây đầy những
nấm mộ vô danh – họ không nhìn, vì họ không đủ sức lật lại quá khứ. Họ
buộc phải bấu víu vào tương lai bằng tất cả những gì mình có.
Jemubhai đã tìm ra một chân lý: trái tim con người có thể biến thành
bất kỳ thứ gì. Con người có năng lực lãng quên và đôi khi nhất thiết phải
làm như vậy.
Giờ đây Jemubhai tự hỏi phải chăng chính ông đã giết chết vợ mình vì
những lý tưởng sai lầm. Cướp đi phẩm giá của bà, ô nhục gia đình ông, ô
nhục gia đình bà, biến bà thành hiện thân cho sự nhục nhã của cả dòng họ.
Đến họ cũng không thể chấp nhận bà, và từ đó đời bà chỉ còn có thể là vô
dụng, cả con gái ông cũng chỉ có thể là vô dụng và ngu dại. Ông đã đày cô
vào trường dòng nội trú, thở phào khi cô vươn tới đẳng cấp cao hơn của ngu
dại và vô dụng khi bỏ trốn với một gã lớn lên trong trại trẻ mồ côi. Ngay cả
họ hàng cũng không trông mong ông quan tâm gì đến con bé nữa…
Ông không thích vợ mình, nhưng đấy đâu thể là lý do, phải không?
Rồi ông nhớ lại một thời khắc xa xưa, khi ông từng thực sự thích bà.
Ông mới hai mươi, bà mười bốn. Cái hồi ở Piphit, hai đứa cưỡi chung xe,