“Nhưng nhiều hành lý thế không được.”
Cậu trả thêm tiền, họ bèn xếp va li của cậu lên nóc, chằng dây thừng
lại, rồi tất cả lên đường, lướt đi chênh vênh giữa con đường hẹp trên những
cánh đồng ngập nước, giữa rực rỡ chuối non và lúa thì con gái, giữa một khu
bảo tồn thiên nhiên có những tấm biển cỡ đại, “KHÔNG QUẤY RẦY
ĐỘNG VẬT HOANG DÔ, đóng đinh trên cây. Lòng cậu lâng lâng khi
được trở về, ngay cả việc đi cùng mấy người này cũng không làm cậu bồn
chồn. Cậu thò đầu ra ngó hành lý xem dây buộc còn chắc không.
Con đường nghiêng đi, chỉ còn như một gờ đất ven sông Teesta, trong
ký ức cậu là một con sông trái nết vừa chảy xuôi vừa chảy ngược. Biju bám
vào khung sắt chiếc xe mỗi khi nó luồn lách qua những rãnh nước, vệt bánh
xe và sỏi đá – trên đường nhiều ổ gà hơn cả đường và ruột gan phèo phổi
cậu xóc lên xóc xuống một trận tơi bời. Cậu nghiêng đầu nhìn xuống lãng
quên, giục ánh mắt trở lại với bờ sông sạt lở. Cái chết ở rất gần – cậu đã
quên điều đó trong cuộc sinh tồn bất tận trên đất Mỹ – cái cận kề thường
trực của điểm đến gần nhất trong đời người.
Vậy là, bám chặt vào cái mai bằng sắt ấy, họ ngoằn ngoèo leo dốc.
Bướm nhiều vô kể, thuộc đủ mọi loài, và khi hơi có mưa, lũ bướm liền biến
mất. Tạnh mưa chúng lại bay ra; thêm một cơn mưa nhỏ, chúng biến đi lần
nữa. Mây lùa vào trong xe, chốc chốc lại che mờ hành khách. Suốt dọc
đường, lũ ếch hăm hở hát. Đường từ Siliguri đến Kalimpong có ít nhất một
chục đoạn lở đất, và trong khi họ đợi thông đường, những người bán rong
đến mời họ mua momo đựng trong cặp lồng và dừa thái lát hình tam giác.
Nơi đây cha cậu đang sống, nơi đây cậu đã đến thăm ông, nơi đây họ đã ấp ủ
kế hoạch gửi cậu sang Mỹ, và Biju trong cơn ngây thơ đã làm theo những gì
cha cũng trong cơn ngây thơ đã bảo cậu làm. Cha cậu còn có thể biết gì khác
được? Cái án xa nhà mưu sinh đã mấy đời bám theo họ, buộc trái tim họ
luôn hướng về nơi khác, tâm trí họ luôn nghĩ về người ở rất xa; không lúc
nào họ được sống cuộc đời chuyên nhất. Tuyệt diệu làm sao khi mọi chuyện
sắp sửa khác đi.