họ. Tôi lật tới cuối và tìm dòng trích dẫn được tô đậm (“ĐỪNG BAO GIỜ
DÙNG BÚT DẠ TÔ VÀO SÁCH CỦA CHA,” cha đã bảo tôi chừng một
nghìn lần. Nhưng bạn còn cách nào để nhìn ra thứ mình đang tìm chứ?)
“Cái ông này,” tôi nói, đứng ở cửa phòng khách. ‘François Rabelais. Ổng
là một nhà thơ. Và lời trăng trối cuối cùng của ổng là ‘Ta đi để tìm Cơ Hội
Lớn.’ Cho nên con sẽ đi. Như thế con sẽ không phải chờ tới lúc xuống mồ
mới bắt đầu tìm kiếm Cơ Hội Lớn.”
Và điều ấy khiến họ im lặng. Tôi đang theo đuổi Cơ Hội Lớn, và họ cũng
biết tôi sẽ không tìm thấy nó với những người như Will và Marie. Tôi ngồi
xuống lại sofa, giữa cha và mẹ, và cha vòng tay ôm tôi, và chúng tôi ở yên
như thế, lặng lẽ ngồi cùng nhau trên sofa một lúc lâu đến khi có thể bật TV
lên, và chúng tôi dùng xốt a-ti-sô cho bữa tối và xem Kênh Lịch Sử, và với
một buổi tiệc chia tay mà nói, mọi thứ biết đâu đã có thể tệ hơn.
một trăm hai mươi tám ngày trước
FLORIDA RẤT NÓNG, dĩ nhiên, và ẩm thấp nữa. Đủ nóng để quần áo
dính chặt vào người bạn như băng dính hiệu Scotch, và mồ hôi như thác đổ
chảy ròng ròng từ trán xuống mắt. Nhưng chỉ có ngoài trời là nóng, và tôi
thường chỉ ra ngoài để đi từ phòng máy lạnh này đến phòng máy lạnh khác.
Điều này chẳng hề giúp ích cho tôi trước cái nóng lạ đời bạn có thể gặp ở
mười lăm dặm về phía nam Birmingham, Alabama, tại Trường Dự Bị
Culver Creek. Chiếc SUV của cha mẹ đậu ngay bãi cỏ cách phòng nội trú
của tôi chỉ chừng mấy mét, Phòng 43. Nhưng mỗi lần đi tôi lui vài bước từ
xe để tháo dỡ đống đồ mà giờ tôi cho là quá nhiều ấy, ánh mặt trời gay gắt
lại chiếu xuyên qua quần áo và đốt cháy da tôi với sức nóng tàn bạo khiến
tôi thật lòng đâm sợ hoả ngục.
Cha mẹ và tôi chỉ mất vài phút để chuyển đồ khỏi xe, nhưng phòng nội trú
không-điều-hoà của tôi chỉ mát hơn được tí xíu, dù may mắn không hứng
nắng. Căn phòng làm tôi khá ngạc nhiên: Tôi đã tưởng tượng đến thảm