“Xin lỗi vì làm anh thất vọng, ở đây chúng tôi không nhắm tới những
thứ to như thế. Những con muỗi, lúc nào cũng chỉ muỗi thôi. Anh phải biết
là một số loài sống sát mặt đất, số khác thì lại thích sống trên cao.
- Anh yêu cầu những người bắt muỗi trèo lên cái giàn lung la lung lay
này ư?
- Cần thì phải làm thôi. Phục vụ khoa học mà!”
Giáo sư Diallo lại tiếp tục bài giảng. Ông quả là một người có mạch nói
vô tận. Những gì ông kể khiến tôi không quá bận tâm đến những con ký sinh
trùng hẳn lúc này đang xâm nhập vào tôi nữa. Từ vài phút trước, có vẻ như
tôi đã bị chích ở khắp người. Lẽ ra tôi phải hỏi xin một cái ống tuýp. Vì giờ
tôi đã thành miếng mồi sống cho đám muỗi, thôi thì đành bổ sung cho bộ
sưu tập của Viện Pasteur!
“Anh nhớ nhé, Érik, muỗi cái chỉ có ba nỗi ám ảnh: tìm được bữa ăn
máu, nghỉ ngơi để tiêu hóa, tìm chỗ đẻ trứng. Mỗi loài lại có chiến lược sinh
tồn riêng. Từ xưa đến nay, muỗi anopheles cái chỉ chích ban đêm. Nên
chúng tôi trả đũa bằng cách ngủ trong màn, được tẩm thuốc chống muỗi nếu
có. Nhưng muỗi anopheles lại cũng tìm cách đáp trả: ‘Thế thì hãy thay đổi
thói quen, chờ đến sáng, ăn sáng cũng có cái thú của nó mà!’ “
Ở giữa khu rừng vừa kỳ diệu vừa đáng sợ này của PK10, tôi đột nhiên
thấy muốn hét to lên chúc mừng ngành côn trùng học. Làm sao thắng được
khi không hiểu gì về kẻ thù đây? Tôi chán nản buông tay vì biết rằng, ở
Pháp, nước tự nhận là cây đèn pha của ngành y, lại chỉ có duy nhất một khóa
học về côn trùng học y học dành cho sinh viên, tại Viện Pasteur, của giảng
viên Anna-Bella Failloux, và cô phải đấu tranh hằng năm để ba tuần học
ngắn ngủi của mình không bị gặm nhấm dần đi mất!
* * *
Vấn đề duy nhất, đối với các nhà côn trùng học, đó là bị lôi ra khỏi
những cánh rừng thân thương và quỷ quái của họ, bị mang ra khỏi nơi trứ