Với công nghệ kéo phân tử, không gì dễ dàng hơn việc cấy gen mới
vào bộ gen của muỗi.
Một số nhà khoa học lựa chọn giải pháp triệt để. Giờ chúng ta đã có
phương tiện để loại bỏ những con vật bé nhỏ gây hại này ra khỏi cuộc đời
chúng ta, tại sao lại không sử dụng?
Một số khác, thận trọng hơn, lựa chọn giải pháp chủng ngừa, vẫn để
muỗi sống, nhưng ngăn không cho chúng gây hại.
Hãy quay lại Brazil một chút.
Thành phố Piracicaba (bốn trăm nghìn dân) nằm cách São Paolo một
trăm sáu mươi cây số. Sự thịnh vượng của thành phố này, vốn từ lâu dựa vào
nông nghiệp (mía đường, cà phê), hiện có thêm nhiều nguồn lực mới từ công
nghiệp (luyện kim, cơ khí nông nghiệp, và gần đây hơn, sản xuất nhiên liệu
sinh học). Mọi thứ sẽ hoàn hảo cho sự phát triển nếu không có con sông
chảy qua thành phố này. Các nhà thơ cứ việc ca ngợi những con sóng nhấp
nhô của dòng sông, không ai kêu ca cả. Nhưng nước kéo muỗi về, những
đàn muỗi khó chịu, không thể yên thân mà đi dạo, chẳng thể tổ chức những
buổi biểu diễn ngoài trời, làm mất cả sự lãng mạn của những buổi hẹn hò,
thì kể cả khi chúng không truyền virus gây bệnh sốt Dengue, sốt
chikungunya hay virus Zika, muỗi cũng đã đủ để người dân nổi cáu.
Trước sự giận dữ của các cử tri, hội đồng thành phố đã quyết định huy
động các nguồn lực lớn. Một công ty của Anh được chính quyền mời đặt tại
địa phương một nhà máy thuộc diện khá lạ.
Chuyện bắt đầu từ nước Anh, với hai trong số các cơ quan danh tiếng
nhất của nước này: trường Imperial College và Đại học Oxford. Để thương
mại hóa các sản phẩm có được nhờ ứng dụng các kết quả nghiên cứu, Đại
học Oxford đã thành lập một công ty (có tên là Isis Innovation). Một trong
các sản phẩm được phát triển là công nghệ Oxitec, với sự tham gia đầy tâm
huyết của hai nhà khoa học, Luke Alphey (trước cũng đã từng học ở
Imperial College) và Dean Thomas. Trong nhiều năm trời, hai nhà khoa học
đã miệt mài nghiên cứu để cải tiến kỹ thuật “triệt sản côn trùng”. Họ nộp hồ