vàng rực dọc theo eo biển Beagle Channel! Ôi, những vệt màu đỏ đột nhiên
xuất hiện trên mặt băng tuyết trắng xóa của Nam Cực!
Mối liên kết này lâu dài, cần thiết, hiểu theo nghĩa đen hẹp nhất của
cụm từ “để sống”. Ly dị là chết. Chỉ nghĩ đến đó thôi là đã đủ để phần lớn
chúng ta chùn chân trước ý nghĩ ra tòa.
Hỗ sinh là mối liên kết tự do. Không có nghĩa vụ bắt buộc, hai cá thể tự
quyết định kết hợp sức mạnh để có thể sống sót được trong thế giới tàn nhẫn
này.
Chỉ cần kể về sự đa dạng cũng như sự hiệu quả của dạng mối quan hệ
này là ta đã có thể viết ra những cuốn sách đồ sộ nhất, và chắc chắn là cũng
thuộc hàng tuyệt vời nhất.
Thay vì phải đơn độc đối mặt với những khốc liệt của cuộc sống, tại
sao không sang sống cùng với láng giềng? Người đón tiếp bạn - mà đa phần
là không biết, ta hãy gọi đó là vật chủ -, sẽ cho bạn ở nhờ, che chở cho bạn,
và chở bạn đi vì bạn sẽ theo họ dù họ đi đâu nhưng lại không mất chút sức
lực nào.
Ta hiểu rằng chiến lược ỷ lại này đã thành công đến thế nào.
Ta đồ rằng chiến lược đó đã có từ muôn đời. Chẳng phải đến giờ ta mới
biết là rất nhiều người trong số chúng ta vẫn ưa thích tiện nghi hơn là sự độc
lập.
Ký sính (parasitism). Từ này có gốc từ tiếng Hy Lạp, là sự kết hợp giữa
para, có nghĩa là “bên cạnh, gần”, và sitos, có nghĩa là “thức ăn”.
Vào thời cổ đại, các gia đình phú gia thường có thói quen mời đến nhà
những vị khách có thể giúp họ tiêu khiển: nhà thơ, nhạc sĩ, người mua vui,
kẻ xu nịnh. Những con người ký sinh này được mời tiệc, và họ thanh toán
bằng thứ tiền của riêng họ: đó là các bài thơ, điệu nhạc, câu chuyện hoặc
những lời ve vuốt. Cách thức không thay đổi, chỉ có cách gọi là khác đi.
Ngày xưa, để gọi tên một cá thể ký sinh, người ta dùng từ kẻ ăn bám. Ngày
nay một từ khác rất chính xác vẫn còn được sử dụng, đó là từ kẻ ăn chực.
Để có được cơ hội phát triển tốt nhất, kẻ ký sinh luôn thay đổi chỗ ở.