nữa, lão thốt lên khi thấy Taru. Thật là ngược đời, thầy thuốc lại nhiều hơn
bệnh nhân. Vì người ta vội đi đời cả hả? Cha xứ nói có lý, người ta bị dịch
hạch như thế là đáng đời lắm”. Hôm sau, Taru lại đến thăm lão, không báo
trước.
Nếu tin vào sổ tay của anh, thì ông lão bị suyễn này vốn làm nghề bán
tạp hóa, đến lúc tuổi năm nhăm tự cho là mình đã làm việc đủ rồi. Lão nằm
nghỉ và từ đó không dậy nữa tuy bệnh suyễn của lão vẫn dung hòa được với
tư thế đứng. Với một khoản lợi tức nhỏ, lão sống thoải mái đến tuổi bảy
nhăm. Lão không sao chịu được sự có mặt một chiếc đồng hồ và trên thực
tế, nhà lão không có lấy một chiếc. “Một chiếc đồng hồ, lão nói, thì vừa đắt
tiền vừa ngu ngốc”. Lão ước lượng thời gian và nhất là giờ các bữa ăn - mối
quan tâm duy nhất của lão - bằng hai cái nồi mà đựng đậu khi lão ngủ dậy.
Lão bỏ từng hạt đậu vào nồi thứ hai, động tác bao giờ cũng chăm chút và
đều đặn như nhau. Cứ thế lão lấy nồi đậu làm đơn vị thời gian đế sắp xếp
công việc trong ngày. “Cứ hết mười lăm nồi, lão bảo, thì đến bữa ăn. Thật là
đơn giản”.
Vả lại, theo lời bà vợ, thì từ lúc còn rất trẻ, lão đã bộc lộ những dấu
hiệu thiên hướng của mình. Công việc, bạn bè, cà phê, âm nhạc, phụ nữ,
những buổi dạo chơi, không có gì khiến lão quan tâm. Lão chưa bao giờ ra
khỏi thành phố, trừ một hôm, việc nhà buộc lão phải đi Angiê. Chỉ đi được
một ga, lão đã phải xuống vì không sao tiếp tục cuộc hành trình được. Lão
quay trở về bằng chuyến tàu đầu tiên.
Khi Taru tỏ vẻ ngạc nhiên về cuộc sống khép kín của lão, thì lão hầu
như muốn giảng giải rằng theo tôn giáo, nửa đầu cuộc đời một con người
thì đi lên, còn nửa thứ hai thì đi xuống, rằng trong nửa đi xuống ấy, ngày
tháng của con người không còn thuộc về mình nữa, bất kỳ lúc nào chúng ta
cũng có thể bị tước đoạt, vì vậy người đó không thể làm gì được và chính vì
vậy tốt nhất là không nên làm gì hết. Vả lại, sự trái ngược ấy không làm lão
sợ hãi: ít lâu sau, lão nói với Taru là chắc chắn không có Chúa, vì nếu
ngược lại, thì các cha xứ sẽ trở thành vô ích. Nhưng theo những luồng suy
nghĩ tiếp theo sau của lão, Taru hiểu rằng cái triết lý ấy gắn chặt với tâm