- Tôi không thích thế, lão chủ khách sạn bảo Taru. Kiểm dịch hay
không, thì bà ta cũng đáng nghi ngại, và do vậy cả mấy cha con ông ta cũng
thế.
Taru lưu ý lão là theo quan niệm ấy thì mọi người đều đáng nghi ngại.
Nhưng lão vẫn khăng khăng và có những quan điểm thật dứt khoát:
- Thưa ông không, cả ông lẫn tôi đều không đáng nghi ngại. Còn bọn
họ thì có.
Nhưng Otông không vì thế mà thay đổi, và lần này, dịch hạch chỉ uổng
công vô ích. Ông ta vẫn bước vào phòng ăn với điệu bộ ngày nọ, ngồi vào
bàn trước rồi hai đứa con mới được ngồi sau và vẫn nói với chúng những
lời lẽ lịch sự nhưng ghét bỏ. Chỉ có riêng thằng nhỏ là dáng dấp có thay đổi.
Mặc đồ đen như con chị, ngồi thu lu lại, nó giống như cái bóng thu nhỏ của
cha nó. Ông lão gác đêm, vốn không ưa Otông, nói với Taru:
- A! thằng cha ấy, hắn sẽ mặc nguyên quần áo mà toi mạng thôi. Cứ
thế, chẳng cần tắm rửa gì hết. Hắn sẽ đi thẳng tuột một mạch.
Taru cũng thuật lại buổi thuyết giáo của Panơlu, nhưng với những lời
bình luận sau đây: “Tôi hiểu cái mối nhiệt tình dễ thương ấy. Khi tai họa bắt
đầu và khi nó kết thúc, bao giờ người ta cũng tỏ ra ít nhiều hùng biện.
Trong trường hợp thứ nhất, thói quen chưa mất và trong trường hợp thứ hai,
thói quen đã được hồi phục. Giữa lúc tai họa, người ta mới làm quen với
chân lý, nghĩa là im lặng. Chúng ta hẵng chờ xem”.
Cuối cùng, Taru kể lại anh có một buổi nói chuyện dài với bác sĩ Riơ,
nhưng chỉ nói là buổi nói chuyện rất kết quả, nhân đấy nhắc tới đôi mắt màu
hạt dẻ nhạt của bà cụ Riơ khẳng định một cách kỳ cục là một ánh mắt nhân
hậu đến thế bao giờ cũng có sức mạnh hơn dịch hạch, và sau cùng dành
những đoạn khá dài viết về ông lão bị hen suyễn, bệnh nhân của Riơ.
Sau buổi nói chuyện, Taru theo Riơ đến thăm ông lão. Lão đón tiếp
anh với những tiếng cười khẩy, hai tay xoa xoa vào nhau. Lão ngồi trên
giường, lưng tựa vào gối, phía dưới có hai nồi đậu hạt: “A! Lại thêm một vị