trạng đối với những cuộc quyên tiền thường xuyên của xứ đạo. Tuy nhiên,
muốn hoàn chỉnh chân dung ông lão thì phải thêm là lão muốn sống thật
lâu, một nỗi mong muốn sâu xa nhiều lần lão thổ lộ với Taru.
“Phải chăng là một ông thánh?”. Taru nghĩ bụng. Và anh trả lời: “Phải,
nếu thánh đức là một tập hợp thói quen”.
Nhưng đồng thời Taru miêu tả khá tỉ mỉ một ngày trôi qua trong cái
thành phố bị dịch hạch này và cung cấp một khái niệm đúng đắn về công
việc và cuộc sống của đồng bào chúng tôi trong mùa hè năm ấy: “Không
một ai cười ngoài bọn say rượu, anh viết, và bọn này thì cười quá nhiều”.
Rồi anh bắt đầu miêu tả:
“Sáng sớm, những làn gió nhẹ thổi trên thành phố còn vắng vẻ. Vào
giờ này - nằm giữa cái chết trong đêm tối và những cơn hấp hối giữa ban
ngày, - hình như dịch hạch ngừng nỗ lực một lát và lấy lại hơi sức. Mọi cửa
hiệu đều đóng cửa. Nhưng đó đây có treo biển “Đóng cửa vì dịch hạch”:
người ta biết lát nữa chúng sẽ không mở cửa cùng với những cửa hiệu khác.
Mấy chú bán báo còn ngái ngủ không rao tin; ngồi tựa lưng vào các góc phố
và như những kẻ mộng du, họ “bày hàng” ra dưới mấy ngọn đèn đường. Lát
nữa, bị những chuyến tàu điện đầu tiên đánh thức, họ sẽ tản đi trong khắp
thành phố, dang rộng tay cầm những tờ báo trên đó nổi bật cái từ “Dịch
hạch”. “Liệu có một mùa thu dịch hạch không? Giáo sư B. trả lời: Không”.
“Một trăm hai mươi bốn người chết, đây là con số tổng kết ngày thứ chín
mươi của từ bị dịch hạch”.
“Mặc dù cuộc khủng hoảng giấy ngày càng gay gắt, buộc một số xuất
bản phẩm định kỳ phải giảm bớt số trang, người ta vẫn lập một tờ báo khác:
Tờ tin tức Dịch bệnh, với nhiệm vụ” thông báo hết sức khách quan cho
đồng bào chúng ta, những bước tiến hay bước lùi của dịch bệnh; cung cấp
cho bà con những bằng chứng đáng tin cậy nhất về tương lai bệnh dịch;
giúp đỡ mọi người, quen thuộc hay xa lạ, sẵn sàng chống lại tai họa; nâng
đỡ tinh thần dân chúng, truyền đạt chỉ thị của nhà chức trách, và nói tóm lại,
tập hợp mọi người có thiện chí để chống lại có hiệu quả cái tai họa đang tấn